Làm thế nào giáo sư Stephen Hawking có thể sống sót hơn 50 năm qua với hội chứng ALS?

0
Tinhte-stephen-hawking-ai.

Stephen Hawking được mệnh danh là ông hoàng vật lý của thế giới hiện đại. Khi nhắc tới ông, người ta thường nghĩ ngay tới bức xạ Hawking,Định lý kỳ dịLược sử thời gian cùng vô vàn những cống hiến vĩ đại đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của vật lý và thiên văn học ngày nay. Tuy nhiên, khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ không nói về tri thức của ông, mà tìm hiểu về nghị lực sống phi thường của ông. Làm thế nào một người đàn ông nhỏ bé có thể tiếp tục sống trong hơn 50 năm với căn bệnh ALS, vốn bị các bác sĩ kết luận rằng chỉ có thể kéo dài từ 2 đến 3 năm.

Stephen Hawking - bệnh nhân phi thường

Vào ngày 20/4/2009, nhiều thập kỷ sau lời tiên đoán ảm đạm của các bác sĩ, bệnh tình của giáo sư Hawking bắt đầu trở nặng. Khi đó, trườngĐại học Cambridge đã phát đi thông báo rằng tình hình của giáo sư là "rất yếu" và "phải trải qua các thử nghiệm" tại bệnh viện. Thậm chí, các tờ nhật báo còn đưa tin và chuẩn bị sẵn cáo phó dành cho giáo sư Hawking.

Nhưng cuối cùng, ông vẫn sống sót. Chẳng những thế, lúc đó chẳng có ai dám nghĩ rằng ông sẽ sống tới 73 tuổi như hiện nay, vẫn ngồi trên chiếc xe lăn chuyên dụng đưa ra lời cảnh báo về sự diệt vong của nhân loại vì AI và thậm chí là xem bộ phim tiểu sử của chính ông. Nhưng kỳ lạ thay, ông đã thực hiện tất cả những điều đó và còn hơn thế nữa.

Tinhte-stephen-hawking-2007.
Ảnh chụp giáo sư Stephen Hawking vào năm 2007

Chứng bệnh mà Stephen Hawking mắc phải là xơ cứng cột bên teo cơ (Amyotrophic Lateral Sclerosis - ALS hoặc Lou Gehrig) và chúng ta khó lòng có thể tưởng tượng được những hậu quả mà nó để lại cho ông. Triệu chứng đầu tiên của nó là khiến cho cơ bắp của người mắc yếu dần đi và cuối cùng là liệt hoàn toàn. Điều này xảy ra trên khắp cơ thể và lấy đi khả năng nói chuyện, nuốt và thậm chí là thở của người bệnh. Hiệp hội ALS thống kê rằng tuổi thọ trung bình của những người mắc bệnh chỉ vào khoảng từ 2 đến 5 năm kể từ thời điểm phát bệnh. Hơn 50% số người bệnh qua đời trong năm thứ 3 và 20% sống được tới năm thứ 5. Chỉ có khoảng 5% người bệnh sống được qua 2 thập kỷ.

Và đối với giáo sư Hawking, ông đã vượt qua được giới hạn 20 năm tới 2 lần, mốc đầu tiên vào năm 1983 và sau đó là năm 2003. Cuối cùng cho đến ngày hôm nay, năm 2015, ông vẫn tiếp tục sống. Khả năng kéo dài sự sống một cáhc thần kỳ của ông khiến các chuyên gia nghiên cứu bệnh ALS phải khâm phục và cho rằng ông là một trong những trường hợp ngoại lệ duy nhất.

Nigel Leigh, giáo sư thân kinh học lâm sàng tại Đại học King, London phát biểu: "Ông là một trường hợp phi thường. Tôi chưa từng biết có người nào sống sót được với căn bệnh ALS trong thời gian dài như ông. Ngoài thời gian sinh tồn thì đối với trường hợp của Hawking, dường như căn bệnh của ông đã bị đẩy lùi. Ông ấy vẫn đang tương đối ổn định - một dạng ổn định cực kỳ hiếm thấy."

Không phải sức sống kỳ diệu của Hawking mới được chú ý gần đây mà nó đã dấy lên làn sóng hiếu kỳ từ giới nghiên cứu từ hơn 10 năm trước. Vào thời điêm Hawking bước sang tuổi 70 vào năm 2012, nhiều nhà khoa học đã tỏ ra đầy bối rối và kinh ngạc. Nhà nghiên cứu Anmar al-Chalabi tại Đại học Kinh đã phải thốt lên rằng: "Thật phi thường. Tôi chưa bao giờ thấy ai có thể sống sót trong thời gian dài như vậy."

Giả thuyết về nguyên nhân

Vậy thật sự điều gì cho phép trường hợp của Hawking vượt trội hơn so với những bệnh nhân khác? Chỉ dựa vào may mắn? Phải chăng ông đã dùng trí tuệ siêu phàm để dùng một cách nào đó giúp kéo dài sự sống và chống lại định mệnh? Không ai có thể trả lời chắc chắn. Ngay cả chính bản thân Hawking, người có thể lý giải cơ chế hoạt động của toàn vũ trụ, cũng không thể xác định được nguyên nhân của sự sống của ông. Ông nói: "Có thể loại bệnh ALS của tôi có liên quan khả năng hấp thu vitamin kém."

Tinhte-stephen-hawking-giang.
Giáo sư Hawking và bài phát biểu "Tại sao chúng ta nên tiến vào không gian?" tại Địa học George Washington vào năm 2008

Các nhà khoa học cho rằng ngay từ đầu, Hawking đã chiến đấu với ALS bằng một cách rất khác. Và rất có thể, những khác biệt này đã tạo nên sự sống dài kỳ lạ của ông. Thông thường, ALS sẽ tấn công người bệnh vào khoảng nửa cuối cuộc đời, trung bình là khoảng 55 tuổi. Nhưng các triệu chứng của ALS lại xuất hiện trên cơ thể Hawking từ khi ông còn rất trẻ. Và đặc biệt hơn, nó bắt đầu bằng một cú ngã.

Giáo sư Hawking đã hồi tưởng lại: "Vào năm thứ 3 tại Oxford, tôi nhận thấy rằng mình bắt đầu vụng về và tôi đã ngã xuống từ 1 đến 2 lần mà không có lý do. Nhưng mãi cho đến khi tôi đến Cambridge thì cha tôi mới nhận thấy và đưa tôi đến bác sĩ. Không lâu sau sinh nhật lần thứ 21 của tôi, ông giới thiệu cho tôi một chuyên gia và tôi đã phải vào viện đê thực hiện các xét nghiệm. Đó thật sự là một cú sốc đối với tôi khi phát hiện ra mình mắc bệnh."

Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng nhờ những chẩn đoán từ rất sớm mà Hawking đã có cơ hội sống cùng với căn bệnh lâu hơn so với những người khác. Giáo sư Leigh cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng cơ hội sống sót của những bệnh nhân trẻ là nhiều hơn và cuộc sống cũng được kéo dài hơn. Nếu bạn phát bệnh khi còn trẻ, con quái vật bệnh tật sẽ rất khác, rất kỳ quặc và không ai biết lý do tại sao."

Nhà nghiên cứu Leo McCluskey tại Đại học Pennysylvania cho biết ALS có thể lấy đi mạng sống của bệnh nhân theo 2 cách khác nhau. Thứ nhất, nó khiến cho cơ bắp có liên quan tới hoạt động thở bị tê liệt và thông thường người bệnh sẽ chết vì suy hô hấp. Con đường còn lại là cơ điều khiển hành động nuốt bị liệt, khiến cơ thể bị mất nước và suy dinh dưỡng. "Nếu bạn không lâm vào cả 2 dạng trên, bạn có khả năng sẽ sống trong một thời gian dài."

Nhưng liệu trường hợp của Hawking còn có khác biệt nào khác? Về phần mình, Hawking cho rằng sự tập trung vào công việc đã phần nào giúp ông vượt qua được tình trạng tàn tật và cho ông thêm những năm tháng sống sót mà những người khác không có được. Giáo sư Hawking chia sẻ: "Chắc chắn công việc và sự chăm sóc tận tình đã giúp tôi tồn tại. Tôi rất may mắn khi công tác trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, một trong những lĩnh vực hiếm hoi không bị ảnh hưởng bởi sự khuyết tật."

Dù sao đi nữa, chúng ta phải thật sự khâm phục những gì mà ông đã làm cho sự phát triển của khoa học dù phải ngồi trên chiếc xe lăn. Ông thật sự đã đối mặt với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc. Hy vọng rằng ông vẫn sẽ mạnh khỏe và tiếp tục cống hiến cho khoa học trong tương lai.

Tham khảo SANytimesNCBINBC