0
’Treo Đầu Dê Bán Thịt Chó’’
Đầu tháng 11 vừa qua, hàng loạt những người điều hành hệ thống nhà hàng, quán ăn sang ở Nhật lần lượt tổ chức họp báo thú nhận đã không bán đúng theo những gì ghi trong thực đơn. Chẳng hạn như trong thực đơn thì ghi là cá tươi mà lại bán cá đông lạnh, ghi thịt bò Nhật thì bán thịt bò Úc, Mỹ…
Vào ngày 24/10/2013, bỗng nhiên Giám đốc hệ thống khách sạn Hankyu Hanshin là ông Desaki họp báo thú nhận là từ tháng 3 năm 2006 đến cuối tháng 9 năm nay, 23 tiệm ăn của hệ thống khách sạn đã bán những thức ăn không đúng theo những gì đã ghi trong Thực đơn (Menu). Chẳng hạn như Menu ghi món Patê làm bằng Kuruma ebi (tôm He Nhật) thì lại sử dụng tôm sú nhập từ Việt Nam. Thái, Trung quốc…, Ghi thịt heo Kirishima thì bán các loại thịt heo khác rẻ tiền hơn. Tổng cộng có tất cả 47 nguyên liệu dùng trong các thức ăn không đúng theo Menu. Các ký giả hỏi rằng đánh lừa thực khách như thế ông có định từ chức hay không?
ông Desaki trả lời rằng đây là một sự lầm lẫn giữa khâu nhập nguyên liệu và khâu nhà bếp chứ chúng tôi không có ý đồ lừa đảo ai cả. Như quý vị biết theo cách tổ chức nhà hàng Nhật thì nhà bếp là thế giới của những người nấu ăn, nên khâu nhập vật liệu cũng khó bước vào. Đầu bếp vì quá bận rộn nên không thể kiểm soát các vật liệu nhập vào chế biến món ăn có đúng theo Menu ghi hay không. Nhưng ói gì thì nói, đó đúng là lỗi của nhà hàng và chúng tôi phải cải thiện việc này để không tái phạm và lẽ đương nhiên phải bồi thường thiệt hại cho thực khách bằng cách hoàn tiền lại cho tất cả quý khách nào còn giữ biên lai. Theo ước tính của thì tổng cộng số tiền hoàn trả này là 110 triệu yen.
Vì ông Desaki không chịu từ chức nên bị báo đài Nhật chỉ trích nặng nề, có lẽ chịu không nổi búa rìu dư luận nên 4 ngày sau, ông Desaki lại tổ chức họp báo để thông báo ông vừa mới từ chức. Ông Desaki còn nói: nếu bảo sự lầm lẫn đó là lừa đảo thì chúng tôi cũng phải chịu và tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm.
Tưởng rằng chỉ có các nhà hàng của hệ thống khách sạn Hankyu Hanshin là ‘’Treo đầu dê bán thịt chó’’, ai ngờ đâu vào đầu tháng 11/2013, nhiều Giám đốc nhà hàng, tiệm ăn sang ở Nhật khác cũng lần lượt họp báo thú nhận như ông Desaki. Tính đến ngày 15 tháng 11 thì số hệ thống nhà hàng, tiệm ăn ‘’treo đầu dê bán thịt chó’’ lên đến cả mấy chục, chắc chắn con số này sẽ tiếp tục tăng vào những ngày tới. Đáng tiếc là trong đó có nhiều tiệm đã được đặc san Micheline của Pháp đánh giá là tiệm ăn ngon nhất nhì thế giới.
Về phía người dân Nhật thì ai cũng lắc đầu ngao ngán trước việc này. Vào tiệm sang, trả tiền đắt tưởng ăn được đồ chính hiệu ai ngờ bị ăn đồ dổm. Cho dù có cải thiện đi chăng nữa thì cũng phải một thời gian dài mới mong phục hồi uy tín từ thực khách.
Phong Trào Chống Điện Hạt Nhân Ở Nhật Lên Cao Qua Chủ Trương “Điện Hạch Nhân zero” Của Cựu Thủ Tưóng Koizumi
Cuối tháng 10 vừa qua, Phong trào chống điện hạt nhân ở Nhật lại bộc phát mạnh để ngăn chận việc chính quyền ông Abe có thể cho phép các nhà máy điện hạt nhân tái hoạt động theo đơn xin của các công ty điện lực. Ngoài việc nêu rõ hiểm họa của điện hạt nhân, những cuộc mít-ting, biểu tình của người phản đối đều nói rõ chuyện tẩy trừ phóng xạ ở quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn chưa đi đến đâu cả, cư dân ở đó vẫn còn đi lánh nạn và chuyện bồi thường thiệt hại chưa thỏa đáng thì tốt nhất là đóng cửa luôn.
Trong những hoạt động phản đối điện hạt nhân, người ta chú ý nhiều nhất là những buổi đi nói chuyện của ông Koizumi, cựu Thủ tướng Nhật. Tuy đã rời khỏi chính trường, nhưng tiếng nói của ông Koizumi vẫn còn nhiều ảnh hưởng đối với người dân Nhật, đặc biệt là chính giới trong đảng cầm quyền. Đề tài “Điện hạt nhân Zero” là một trong những đề tài chính mà cựu Thủ tướng Koizumi công khai trình bày trong tất cả các cuộc nói chuyện của ông trước công chúng, đến nỗi có tin đồn là ông dự định thành lập một đảng mới có tên là đảng Chống Điện Hạt Nhân, quy tụ nhiều dân biểu, nghị sĩ của các đảng có chung ý hướng, để đối đầu lại với đảng cầm quyền Tự Do Dân Chủ của Thủ tướng Abe. Trong thời gian qua, tin đồn này thường được truyền thông Nhật đề cập tới nên cựu Thủ tướng Koizumi đã phải lên tiếng bác bỏ. Trong cuộc họp báo hôm 12 tháng 11 vừa qua tại Hiệp hội Ký giả Nhật, ông Koizumi nói rằng lập trường của ông là chống điện hạt nhân vì nó quá nguy hiểm, chứ không phải lập đảng mới.
Theo tôi thì không cần có điện hạt nhân, Nhật Bản cũng có thể phát triển kinh tế được nếu chúng ta nỗ lực khai thác các nguồn năng lượng thiên nhiên khác và tiết kiệm điện. Chưa nói đến chuyện tai nạn xảy ra mà ngay đến các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng vẫn chưa tìm được cách phế thải thỏa đáng. Dù có cho chúng vào thùng, hàn kín lại rồi đem chôn dưới lòng đất hay đáy biển đến cả trăm năm sau chưa chắc đã hết phóng xạ. Nếu các nhà máy điện hạt nhân cứ tiếp tục hoạt động thì số lượng thanh nhiên liệu hạt nhân mỗi ngày mỗi nhiều thêm lên thì chúng ta phải giải quyết thế nào với những của nợ này?
..Ngày 12 tháng 11, cựu Thủ tướng Koizumi tại Hiệp hội Ký giả Nhật |
Nếu Thủ tướng Abe hỏi ý kiến tôi thì tôi sẽ yêu cầu bỏ nó ngay, đây là một quyết định chính trị mà một Thủ tướng có thể làm được. Nếu chính phủ đưa ra chủ trương “điện hạt nhân Zero” thì sẽ có nhiều chuyên gia, khoa học gia tài giỏi đưa ra đề án tốt, khả thi, chứ hiện nay chưa có ai nghĩ ra được cách giải quyết hoàn hảo các thanh nguyên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
Sau cuộc họp báo của cựu Thủ tướng Koizumi, số người phản đối điện hạt nhân ở Nhật tăng vọt đáng kể, ngay cả những người ủng hộ Thủ tướng Abe cũng trở thành người phản đối điện hạt nhân.
Tuy nhiên, ông cũng đã bị một số dư luận chỉ trích là nói cho lấy được, vì ông đã không đưa ra được một dự án mới nào cả, ngoài chuyện nói lửng lơ sẽ có nhiều “trí tuệ” góp sức. Có người đã đặt ngược câu hỏi: tại sao những “trí tuệ” mà ông nói đó lại không cố gắng để khắc phục nó thay vì “bỏ chạy”. Trong số những người chủ trương “khắc phục” đó có ông Yosano Kaoru, nguyên là cán bộ cao cấp của Đảng Tự Dân nay đã về hưu, có lúc làm bộ trưởng bộ trưởng bộ tài chánh khi đảng Dân Chủ cầm quyền.
Hơn nữa, trong nhiệm kỳ của ông khi làm Thủ Tướng, ông là người chủ trương “nhất định phải dùng điện hạch nhân, Nhật mới khá được”. Bây giờ thảm họa đã xảy ra, ông vẫn chưa có một lời xin lỗi nhận trách nhiệm về việc này mà lại còn nói ngược.
Vì thiếu tiền nên chuyện tẩy trừ phóng xạ và bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân ở Fukushima vẫn chưa được Tổng công ty Điện lực Tokyo giải quyết đến nơi đến chốn. Trong phiên họp Quốc hội Nhật vào ngày 11 tháng 11 vừa qua các dân biểu đã đặt câu hỏi: “chính phủ có hỗ trợ gì không”? Thủ tướng Abe trả lời rằng kể từ nay chính phủ sẽ không đặt tiền đề chừng nào thì trở về lại nhà trong việc trợ giúp cho tất cả những người phải lánh nạn phóng xạ, còn việc tẩy trừ phóng xạ coi như một kế hoạch trường kỳ, một phần của các chi phí này sẽ được trích từ ngân sách quốc gia, nhưng bao nhiêu thì chưa thể quyết định ngay phải chờ phản ứng của người dân. Khi được hỏi Thủ tướng nghĩ gì về những phát biểu của ông Koizumi thì ông Abe đáp rằng cựu Thủ tướng Koizumi là một ân sư trong sự nghiệp chính trị của tôi, hơn nữa ai cũng có quyền trình bày ý kiến của mình, nhưng tình hình thực tế cho thấy không thể ngưng điện hạt nhân ngay mà phải từ từ.
Nhật Bản có một đội ngũ chuyên gia lỗi lạc về nguyên tử lực đông đảo trên cả trăm người, đó là chưa kể rất nhiều kỹ sư, nhân viên ngành điện hạt nhân tận tâm và dày dặn kinh nghiệm trên 40 năm, thế mà khi sự cố Fukushima xảy ra tất cả đều chới với tưởng chừng như bó tay. Nếu Việt Nam có nhà máy điện hạt nhân mà xảy ra tai nạn thì người đâu ra mà cứu dân đây? có chết thì dân chết chứ lãnh đạo đảng CSVN và gia đình của họ có ở Ninh Thuận đâu mà sợ và chắc chắn lúc đó các ông to bà lớn sẽ “êm thắm” chuồn ra nước ngoài. Nghĩ mà buồn cho số phận người dân Việt.
Fukushima: Bắt đầu tháo dỡ các thanh nhiên liệu
Ngày 18/11/2013, Công Ty Điện Lực Tokyo (Tepco) đã bắt đầu tháo dỡ các thanh nhiên liệu (uranium và plutonium) ra khỏi bể chứa của lò phản ứng số 4 tiến tới việc hủy bỏ lò phản ứng này.
Lò phản ứng số 4 của nhà máy Fukushima này đã ngưng hoạt động vào lúc xảy ra cơn sóng thần sau động đất (11/3/2011). Nhưng khí hydro lọt vào bên trong toà nhà và gây ra những vụ nổ làm tung mái và gây hư hại những bức tường bao quanh kho chứa thanh nhiên liệu được đặt cao 18 mét bên trên mặt đất. Giới hữu trách lo ngại một trận động đất nữa nếu xảy ra có thể lật đổ kho này.Nhiệm vụ tháo dỡ được đánh giá là khó khăn nhất kể từ khi tình hình tại Fukushima ổn định vào tháng 12/2011.Trong cuộc họp báo định kỳ ngày 18/11, phát ngôn nhân của TEPCO đã thông báo, công ty đã bắt đầu việc tháo gỡ từ lúc 15 giờ 18 phút cùng ngày. Các chuyên viên kỹ thuật sẽ lần lượt chuyển 1.533 thanh nhiên liệu ra khỏi bể chứa lò phản ứng. Trong hai ngày đầu, Tepco đã chuyển được 22 thanh đầu tiên, mỗi thanh dài 4,5 mét, nặng 300 kg. Cứ 6 chuyên viên sẽ phụ trách chuyển 1 thanh. Nhiên liệu của lò phản ứng hạt nhân bị hư hại sẽ được đưa vào một bể chứa khác an toàn hơn, cách vị trí hiện nay khoảng 100 mét và sẽ được giữ tại đây ít nhất trong thời gian 10 năm. Tepco dự định sẽ hoàn tất công việc chuyển các thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng số 4 vào trước cuối năm 2014, rồi tiếp tục công việc tương tự tại hai lò phản ứng bị hư hại nặng nhất, lò số 1 và lò số 3.1 tuần trước đó, chủ tịch Tepco là ông Ono Akira cho biết, đây là “bước đi quan trọng đầu tiên của việc hủy bỏ nhà máy, công việc sẽ kéo dài trong 40 năm”.Chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide tuyên bố:Chánh văn phòng nội các Suga Yoshihide tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng việc đưa các thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng sẽ được tiến hành trong an toàn tuyệt đối, để không gây thêm lo ngại cho cư dân trong vùng”. Việc tháo dỡ diễn ra trong một môi trường rất nguy hiểm, nơi các chuyên viên kỹ thuật phải có các trang phục bảo hộ đặc biệt chống phóng xạ. Một nhân viên làm việc tại nhà máy Fukushima đã kể lại: từ khi hiểm họa xảy ra không có công việc nào là không nguy hiểm ở nhà máy này cả. Điều căn bản là dự báo được một vấn đề có thể xẩy ra để có biện pháp thích hợp và tức thờiChuyên gia hạt nhân Mỹ Lake Barrett, được Tepco mời để theo dõi công việc này, bày tỏ sự tin tưởng đối với khả năng của Tepco trong sứ mệnh này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Nhật Bản và quốc tế lại rất hoài nghi và cảnh báo những sai lầm trong thao tác có thể có, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ví dụ việc một lượng chất phóng xạ bị rò rỉ ra ngoài. Biến cố này sẽ buộc những người làm việc tại chỗ phải rời xa khu vực nguy hiểm và, hậu quả là, kế hoạch tháo dỡ sẽ bị cản trở.
Lập tức sau đó, ông này bị người trong đảng, ngoài đảng“dũa” thê thảm, ngay cả Thủ Tướng thời đó là ông mắt lồi Hatoyama cũng phán: “Tâm tình của Nhật Hoàng là điều không thể cân đo được, không nên có những phát biểu như thế”.
Thượng Nghị Sĩ Yamamoto Bị Cảnh Cáo Nặng Vì Trao Tận Tay Thiên Hoàng 1 Bức Thư
Vì muốn chống điện hạt nhân nên nghệ sĩ Yamamoto Taro (38 tuổi) rời bỏ kịch trường để bước vào chính trường. Ngày 16 tháng 12 năm 2012, trong cuộc bầu cử Hạ viện, nghệ sĩ Yamamoto đã bị thất cử vì thiếu thời gian chuẩn bị nhưng được số phiếu đứng hàng thứ hai, chỉ thua chính trị gia tên tuổi là ông Ishihara Nobuteru (hiện đang giữ chức Bộ trưởng Môi trường). Qua năm sau, tháng 7/2013, Yamamoto ra ứng cử Thượng viện và đắc cử. Vì là Thượng nghị sĩ nên được mời tham dự buổi tiệc ngoài trời do Thiên Hoàng thết đãi những người tên tuổi ở Nhật (tiếng Nhật gọi là Enyukai, thường được tổ chức ở vườn ngự uyển Akasaka, Tokyo). Có lẽ vì chưa thông hiểu cách thức khi tiếp xúc với Thiên Hoàng Nhật, hơn nữa Yamamoto quá nhiệt tình về việc phản đối điện hạt nhân nên đã trao tận tay Thiên Hoàng một bức thư trần tình về thảm họa sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima.
Nghị sĩ Yamamoto trao thư tay cho Thiên Hoàng. |
Vì quá bất thần và cần phải lịch sự nên Thiên Hoàng đưa tay nhận, nhưng sau đó người hầu cận Thiên Hoàng đã nhanh tay lấy bức thư bỏ vào túi áo vét của mình, đại ý nói Thiên Hoàng sẽ đọc sau vì bây giờ đang bận tiếp đón khách.
Khi hình ảnh này được chiếu trên các đài truyền hình thì Yamamoto bị chỉ trích nặng nề. Việc trước tiên nghị sĩ Yamamoto bị nhiều người chỉ trích là đã vô lễ vì chỉ đưa có một tay ra để trao, tiếp theo là không có một kiến thức tối thiểu nào về hoàng tộc. Theo hiến pháp, Thiên Hoàng chỉ là biểu tượng của nước Nhật, không dính dáng gì đến chuyện chính trị thế nhưng nghị sĩ Yamamoto muốn lôi kéo vào những hoạt động của mình. Nhiềư người cho rằng một nghị sĩ mà không hiểu nguyên tắc gì cả thì nên từ chức.
Ngày 5/11 Chủ tịch Thượng viện đã yêu cầu Nghị sĩ Yamamoto trình bày sự việc trước khi giao cho Ủy ban Kỷ luật Quốc hội xét xử. Nghị sĩ Yamamoto trình bày đơn giản là tôi chỉ muốn Thiên Hoàng biết thêm về những nỗi khổ đau của người dân ở vùng Fukushima bởi phóng xạ.
Ngày 8/11 thì Ủy Ban Kỷ Luật “kết tội”:
- Nhận lời khiển trách của chủ tịch thượng viện
- Cấm đương sự tham dự những sinh hoạt của hoàng tộc.
Vào thời đại này việc thất lễ với Vua không còn bị phạt nặng như thời xưa nữa nên chuyện xử phạt như thế cũng dễ hiểu, nhưng hình phạt nặng nhất cho Nghị sĩ Yamamoto là bị người dân cho là kẻ thiếu sự hiểu biết căn bản và thường thức.
Nửa tháng sau (ngày 13/11), văn phòng Yamamoto nhận được một bao thư của một tổ chức “vô danh và.... vô thực” có tên: Mặt Trận Giải Phóng Độc Lập Dân Tộc Nhật Bản” có chứa một con dao với lời hăm dọa: “vài ngày nữa ta sẽ lấy mạng mi”. Trong cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn viên của Bộ Hoàng Cung đã cho biết: Khi đọc báo thấy bản tin này, Thiên Hoàng tỏ ra lo lắng.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng: tuy không thành luật, nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch: khi tiếp xúc với Hoàng tộc không được tự động chụp hình, quay phim, không được tự ý đưa hay trao đổi bất cứ điều gì với người của hoàng tộc.
Đây là lần thứ 2 có sự kiện trực tiếp trao thư cho Thiên Hoàng, lần thứ nhất cách đây hơn trăm năm, vào ngày 10 tháng 12 năm 1901 tại Tokyo. Bất mãn với những thiệt hại của người dân 2 tỉnh Ibaragi, Gunma, nhân lúc Thiên Hoàng Minh Trị trên đường về sau khi dự nghi thức khai mạc khóa 16 quốc hội, dân biểu Tanaka Shozo đã chận đoàn xe ngựa của Thiên Hoàng định trao lá thư tố cáo tình trạng ô nhiễm của đồ biển, nông sản phẩm do chất độc của đồng từ nhà máy Furukawa thải ra sông Watarase, nhưng đã bị các cận vệ chận lại và “sứ mạng” không thành. Thời đó thì Thiên Hoàng có quyền hạn để giải quyết thật, nhưng cách trao thư của ông thì bị coi là thất lễ. Ra quốc hội thì ông Tanaka đã phải từ chức.
Cũng liên quan đến những “hạn chế” của quyền hạn Thiên Hoàng, 4 năm trước, bộ trưởng ngoại giao thời đó là ông Okada Katsuya trong một lúc trò chuyện đã có một phát biểu mà có người cho là “lạ kỳ”, lạ kỳ là vì ông này đã nói ra một điều mà không ai “dám” nói đối với bộ Hoàng Cung: “Tôi muốn quí vị “động não” hơn nữa, để làm thế nào trong những “huấn từ” của Nhật Hoàng mang cả ý nghĩ của ngài trong đó”. Ông Okada tiếp luôn: “Ngoại trừ lời phát biểu những lúc thiên tai, tôi thấy tất cả các phát biểu của ngài đều giống nhau, vì thế tôi mong quí vị (bộ Hoàng Cung) suy nghĩ lại mỗi khi ngài đã bỏ công đến Quốc Hội”.
Được biết, sau ngày bại trận, luật pháp Nhật được viết lại dưới sự “góp ý” của lực lượng chiếm đóng là Hoa Kỳ vào năm 1947. Nhật Hoàng được xem là biểu tượng của quốc gia nhưng chỉ tham dự và phát biểu khi “quốc vụ” (các nghi lễ) và không có quyền hạn gì với “quốc sách”. Vì thế mọi chuyện đi đứng, gặp gỡ.... đều được bộ Hoàng Cung sắp xếp và lẽ dĩ nhiên kể cả những “lời phát biểu”.
Thiên Hoàng Và Hoàng Hậu Nhật Khi Chết Muốn Hỏa Thiêu
Ngày 14 tháng 11 vừa qua, bộ Hoàng Cung họp báo cho hay Thiên Hoàng Akihito (80 tuổi) và Hoàng hậu Michiko (79 tuổi) khi băng hà sẽ được hỏa táng chứ không chôn và đám tang thì làm nhỏ lại, không cần phải xây lăng lớn vì những việc như vậy quá tốn kém cho ngân sách quốc gia. Đó là ý kiến của Thiên Hoàng-Hoàng Hậu. Ý kiến này cũng đã được Hoàng Thái tử Naruhito và Hoàng tử Akishinomiya tán thành.
Bộ Hoàng Cung cũng cho biết thêm là trước đây thì Thiên Hoàng Akihito muốn khi Hoàng hậu qua đời thì chôn chung một lăng, việc này Hoàng hậu đã đồng ý, nhưng bây giờ thì bà từ chối chỉ ước muốn được nằm bên cạnh lăng Thiên Hoàng Akihito. Lý do vì Thiên Hoàng là bậc bề trên, biểu tượng tôn nghiêm của nước Nhật nên mặc dù là Hoàng hậu nhưng chôn chung như thế là không phải phép, sau này có ai viếng lăng Thiên Hoàng thì chỉ nghiêng mình khấn bái Thiên Hoàng là đủ.
Từ khi lập quốc cho đến nay (2013) , nước Nhật có tất cả 122 vị Thiên Hoàng, trong đó 41 vị khi băng hà thì hỏa táng. Thiên Hoàng Goyozei là vị Thiên Hoàng hỏa táng cuối cùng vào năm 1617. Từ thời Edo đến nay (396 năm) thì chôn cất chứ không hỏa táng.
Tự Vệ Đội Nhật Tập Trận Lấy Lại Đảo Nếu Bị Nước Ngoài Xâm Chiếm
Từ ngày 1 đến 18 tháng 11, bộ Phòng vệ Nhật đã điều động 34 ngàn tự vệ đội (15% tổng binh lực của Nhật) đến đảo Okidaito (Okinawa) để tập trận “lấy lại đảo của mình khi bị nước ngoài xâm chiếm”.
Tuy không nói ra nhưng ai cũng biết đây là cuộc tập trận lấy lại đảo Senkaku/ Điếu Ngư, trong trường hợp bị Trung quốc xâm chiếm.
Chính quyền Bắc Kinh đã tức giận lên tiếng phản đối với lời lẽ chỉ trích nặng nề về cuộc tập trận này vì cho rằng Nhật Bản chuẩn bị chiến tranh với Trung quốc.
Bộ trưởng bộ Tự vệ Nhật là ông Onodera Itsunori cho hay căn cứ vào luật pháp quốc tế về tiến hành cảnh giới, theo dõi để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thì cuộc tập trận này ngay trong lãnh thổ và lãnh hải của Nhật là chuyện thông thường, chẳng có lý do gì mà Trung quốc phải giận dữ, lên tiếng chỉ trích.
Theo các bình luận gia về tình hình thế giới thì cuộc tập trận quy mô này là một thông điệp ngầm mà Tokyo muốn gởi cho Bắc Kinh biết là nếu Trung quốc có bất thần xâm chiếm quần đảo Senkaku thì Nhật Bản cũng sẽ lấy lại được thông qua việc triển khai tên lửa ‘’đất đối hạm’’, máy bay, tàu chiến, tàu ngầm và nhất là ý chí cương quyết bảo toàn lãnh thổ của người dân Nhật. Theo những tin tức đánh đi từ Tokyo cho biết Nhật Bản sẽ thiết lập hệ thống hỏa tiễn chống chiến hạm ở đảo Miyako, tên lửa này có tầm phóng 150 km trong khi đó chiều ngang eo biển này là 250 km nên hải quân Trung quốc sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi đi qua eo biển Miyako để ra vào Thái Bình Dương.
Thường thì Nhật Bản tập trận chung với Hoa Kỳ, nhưng nếu vì vì một lý do gì đó mà quân đội Hoa Kỳ áng binh bất động hay chỉ thực hiện công tác hậu cần thì Tự vệ đội Nhật phải tập trận một mình để xác nhận lại khả năng của họ trong việc lấy lại đảo khi bị nước ngoài xâm chiếm.
Chẳng ai lo chuyện bảo vệ đất nước của mình bằng chính dân tộc mình.
Tiệm Mc Donald's Bị Phản Đối Vì Kỳ Thị Homeless?
Homeless là tiếng Anh chỉ những người vô gia cư vô nghề nghiệp, phải đi ngủ bờ, ngủ bụi, ngủ ở công viên…, những người này ít có khi tắm rửa nên hôi hám không ai muốn đến gần. Những người Homeless biết phận nên cho dù trong túi có tiền đi chăng nữa cũng chẳng ai bước vào tiệm hay quán để ăn. Thế nhưng không biết vì lý do gì mà gần đây có một vài tiệm Mc Donald lại là tụ điểm của những người này nên có vài tiệm phải dán giấy cấm Homeless vào.
Tờ giấy cấm Homeless vào dán trước một cửa tiệm Mc Donald's ở HachiOji (Tokyo) đươc ai đó chụp rồi đưa lên mạng Internet rồi chỉ trích Mc Donald's là kỳ thị, vi phạm nhân quyền…,và đặt câu hỏi: dán như thế có hợp pháp hay không khi mà luật pháp Nhật Bản cấm không được kỳ thị và phải tôn trọng nhân quyền. Mặc dù bị chỉ trích nặng, nhưng một số cửa tiệm Mc Donald's vẫn không chịu gỡ xuống.
Chiếu theo điều 22 của luật tự do kinh doanh thì chủ tiệm hay quán có quyền từ chối không cho khách hàng nào hôi hám, mất vệ sinh vào tiệm, ảnh hưởng xấu đến việc kinh doanh. Theo hiệp hội Luật sư Nhật thì viết như thế tuy không vi phạm luật, nhưng bị nhiều người chỉ trích là phải, thay vì cấm Homeless thì viết cấm những ai hôi hám, mất vệ sinh vào tiệm thì hay hơn và không tạo ấn tượng kỳ thị.
Khi đọc những lời giải thích này, các cửa tiệm Mc Donald's có dán tờ giấy cấm, lặng lẽ bỏ chữ Homeless.
Cũng giống nhau, chả có gì thay đổi chỉ là cách… chơi chữ nghĩa.
Áo Đá Banh Kiểu Mẫu Mới (Design) Của Hội Tuyển Nhật Bán Chạy Như Tôm Tươi vì….
Không phải riêng gì Nhật Bản mà bất cứ một quốc gia nào cũng thường thay đổi đồng phục cho hội tuyển bóng đá của mình. Thay đổi để khỏi chán mắt, thay đổi để tạo sinh khí mới cho cầu thủ….
Adidas Japan là hãng được Hiệp hội Túc cầu Nhật uỷ thác cung cấp áo quần đá banh cho hội tuyển quốc gia Nhật. Ngày 14/11/2013, hãng này đã tổ chức ra mắt bộ quần áo đá banh theo design mới cho hội tuyển quốc gia Nhật và cho biết sẽ sử dụng vào mùa World Cup 2014 sắp tới. Gọi là design mới nhưng không có gì thay đổi nhiều chỉ thêm một lằn vạch đỏ trắng bằng mực in có chất huỳnh quang ở phía sau lưng nối từ vai trái sang vai phải và phía bên tay trái dưới lá cờ Nhật và huy hiệu có 11 vạch mờ mờ kéo dài.
Đồng phục mới với 11 đường thẳng mờ mờ…. sinh chuyện. |
Như quý độc giả thấy trong các trận bóng đá, trước khi trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu thì các cầu thủ của đội thường hay quàng vai nhau thành một vòng tròn để lấy khí thế, với mẫu design mới này thì khi ở vị trí đứng từ trên cao nhìn xuống người ta sẽ thấy rõ một vòng tròn nối từ vai cầu thủ này sang cầu thủ khác khá ngoạn mục, đúng theo ý nguyện của Hiệp hội Túc cầu Nhật Bản qua câu nói ‘’Thắt chặt sức mạnh toàn đội’’.
Nhưng ngày 16/11 thì tờ Trung Ương Nhật Báo của xứ Hàn cộng thêm những ý kiến của các dân biểu lại giải thích: “phía bên trái ngực áo, dưới lá cờ Nhật và huy hiệu có 11 vạch kéo dài trông giống như…. ánh sáng mặt trời làm “người nhìn” liên tưởng ngay đến lá cờ “quân phiệt”.
Phía Nhật Bản thì chỉ có hãng Adidas Japan lên tiếng rằng họ đã trình bày về ý nghĩa của kiểu design mới rõ ràng rồi, 11 đường “mờ mờ” biểu tượng cho 11 tuyển thủ chứ có chẳng mang ý nghĩa chính trị gì cả, tại sao lại lôi nó vào chuyện chính trị, thật không hiểu nổi. Truyền thông cũng như dư luận Nhật thì đề cập qua loa chuyện này chứ không gay gắt vì cho rằng công đâu mà đi cãi với kẻ vạch lá tìm sâu, chỉ nêu lên một câu hỏi: vậy thì nếu mặc đồng phục này thì đội tuyển quốc gia Nhật không được đá trên sân của Hàn quốc hay sao? Nếu chuyện này xảy ra thì Hàn quốc có vi phạm luật của FIFA hay không?.
Được biết vào tháng 9 năm nay, dân biểu Tôn Nhân Xuân của đảng cầm quyền Senuri Hàn Quốc đã trình lên quốc hội xin thông qua một đạo luật yêu cầu cấm sử dụng những hình ảnh, vật dụng nào khiến người ta liên tưởng đến chế độ quân phiệt Nhật như lá cờ mặt trời tại những nơi công cộng ở Hàn Quốc. Nếu không tuân hành sẽ bị…. phạt tù dưới 1 năm và 3 triệu tiền won (khoảng 2800 mỹ kim). Đạo luật này sẽ được biểu quyết vào mùa xuân sang năm.
Nếu được thông qua thì bộ đồng phục này cũng sẽ là đối tượng bị xử phạt và FIFA sẽ rất bối rối về chuyện “tương tranh” khi 2 nước “đụng” nhau.
Hậu quả đầu tiên là sang năm sẽ không có trận đấu giao hữu Nhật-Hàn thường lệ như mọi năm tại Seoul.
Báo chí Hàn quốc lại “nổi điên” khi đội Nhật “diện” bộ đồ này trong trận gặp Hòa Lan ngày 16 và gặp Bỉ ngày 19 tại Belgique vừa qua.
Những người dân Nhật thích bóng đá thường hay mua áo của cầu thủ mình yêu thích trong hội tuyển quốc gia, nay đang gặp lúc Hàn quốc phản đối như vậy nên nhiều người đổ xô nhau đi mua để mặc khi xem đá banh, coi như là một sự trả lời đối với việc Hàn quốc chỉ trích. Đó là lý do mà hãng Adidas Japan sản xuất hàng không kịp để cung cấp cho người mua.
Coi bộ nhiệm kỳ của nữ Tổng thống Phát Cận Huệ, tình hình ngoại giao giữa hai nước Nhật-Hàn sẽ không có gì là thân thiện hay sáng sủa cả.
Cựu đô vật hạng nặng Antonio Inoki bị xử phạt vì….
Chắc hẳn quí độc giả còn nhớ một người rất nổi tiếng trong giới đô vật Nhật vào thập niên 1970 và 1980: Antonio Inoki (70 tuổi), đã giải nghệ năm 1998, hiện đang là dân biểu thượng viện thuộc đảng Duy Tân Hội Nhật Bản, vì vừa trúng cử vào tháng 7 vừa qua.
Với dáng người to lớn, cái cằm bạnh ra phía trước và lúc nào cũng “chào” bằng cách hét thật lớn rồi dùng tay “tát” vào người đối diện.
Không biết bị lợi dụng hay muốn lợi dụng…. Bình Nhưỡng cho con đường chính trị của mình mà ông nhất quyết chơi nổi: khai thông con đường đã bị bế tắc với Bắc Triều Tiên bằng sức….. của một mình ông.
Chuyện chẳng có gì đáng nói, nếu ông là người thường. Tuy nhiên bây giờ ông là dân biểu đại diện quốc gia thì phải khác.
Khi Bình Nhưỡng mời ông sang để lập văn phòng “Giao Lưu Hòa Bình Thể Thao Thế Giới” gì đó, vì quốc hội đang thời kỳ họp, nên ông đã phải xin phép Thượng Viện, và lẽ dĩ nhiên Thượng Viện bác bỏ. Nhưng ông vẫn cứ đi, bất chấp hậu quả.
Ngày 1/11 ông lên đường, được các nhà lãnh đạo “xứ khùng điên” trải thảm tiếp đãi như thượng khách, rồi khai trương, thành lập hội này hội nọ.
Ngày 6 tháng 11 ông còn được gặp Trương Thành Trạch (cậu của Kim Chính Vân) và những tai to mặt lớn khác
Ngày 7 ông về lại Nhật, bị Thượng Viện hỏi tội: tại sao ông lại bỏ nhiệm sở. Ông lý la lý luận: Tôi muốn mở một con đường mới. Thượng Viện hỏi tiếp: Ông mở như thế nào? Thế ông có gì?. Ông vòng vo tam quốc và ú a ứ ớ.
Cuối cùng ngày 13/11, Thượng Viện ra phán quyết trừng phạt ông緒罰動議, vì tội không tôn trọng luật lệ của quốc hội. Phán quyết này đã được tất cả các đàng đồng ý, ngoại trừ đảng Duy Tân Nhật Bản (đảng ông trực thuộc). Đây là lần thứ hai sau 61 năm thượng viện ra nghị quyết trừng phạt một thượng nghị sĩ..
Theo nghị quyết này, ông có thể bị khiển trách, xin lỗi, cấm không được tham dự các phiên họp quốc hội và nặng nhất là khai trừ khỏi quốc hội.
Riêng đảng Duy Tân của ông đã “xử”:
- Chấm dứt tư cách đảng viên của ông trong 50 ngày.
- Chấm dứt trách vụ Phó Tổng Thư Ký đảng của ông trong 50 ngày.
Khi nhận “án”, ông này cười gượng: “Phải …. chịu thôi”.
Được biết lần này là lấn thứ 27 ông “Du Hý Bắc Hàn”.
Một việc về ông này mà mọi người hay nhắc là lần ông thách đấu với Mohamed Ali, vô địch quyền anh thế giới. Trận đấu diễn ra tại Nhật vào ngày 26/6/1976 với sự háo hức chờ đợi của mọi người. Nhưng, khi tiếng kẻng báo bắt đầu trận, Inoki đã nằm xuống xoay vòng tròn người quơ chân qua quơ chân lại chỉ rình đá vào chân khiến Mohamed Ali chả đấm được cú nào và cái chân thì bầm tím. Cuối cùng trận đấu kết thức trong nhàm chán vì cứ như thế suốt 15 hiệp. Có người cho rằng: đúng là trận đấu…. cuội.
Ngoài cái tài hét to, đấu vật thì ông sẽ chẳng làm được gì nếu ông cứ như thế, nghĩa là cứ hét-nói cho sướng và làm theo ý mình.
Chính Phủ Nhật Muốn Sửa Lại Luật Bảo Vệ Bí Mật Quốc Gia
Cách đây 3 năm, đã xảy ra sự việc: một sĩ quan tuần duyên Nhật tự ý tung ra đoạn video quay cảnh rượt đuổi tàu đánh cá Trung quốc và tàu đánh cá đâm vào tàu Nhật cho mọi người xem để tố cáo hành động xâm phạm lãnh hải Nhật của tàu bè Trung quốc. Chuyện này đã làm cho chính quyền đảng Dân Chủ lúc đó bị chỉ trích nặng nề vì chủ trương muốn dấu để khỏi gây thêm căng thẳng với Bắc Kinh. Vị sĩ quan này đã bị bắt để điều tra về tội cố tình tiết lộ bí mật quốc gia, nhưng cuối cùng không kết tội được vì đoạn video đó là một phần tài liệu nghiên cứu trong nội bộ lực lượng tuần duyên Nhật.
Chính quyền ông Abe nhận thấy rằng với luật pháp hiện hành thì khó mà bảo vệ các bí mật quốc gia nhất là đang có những căng thẳng với Hàn Quốc và Trung Quốc nên đã đệ trình lên Quốc hội một số điều cần tu chính trong luật Bảo vệ bí mật quốc gia với mục đích phạt nặng những công chức nào vi phạm. Thật ra với số ghế đại đa số tuyệt đối ở Hạ viện, chính quyền liên hiệp Tự Dân- Công Minh dư sức bỏ phiếu thông qua, nhưng vì muốn có thêm nhiều sự đồng thuận khác từ các đảng đối lập nên Thủ tướng Abe lên tiếng kêu gọi các đảng hiệp tác. Đảng Của Mọi Người (Minna noto) và đảng Duy Tân Hội (Ishinka to) trên nguyên tắc đồng ý, nhưng yêu cầu phải có một cơ quan độc lập để theo dõi, kiểm tra.
Nữ Bộ trưởng Mori Masako |
Bộ trưởng đặc trách về các vấn đề giải quyết nạn ít sinh đẻ, Bảo vệ người tiêu thụ và An toàn thực phẩm là nữ Nghị sĩ Mori Masako được giao thêm một trọng trách khác là người đệ trình Tu chính án luật Bảo vệ bí mật quốc gia. Trong phiên chất vấn ở Ủy ban Ngân sách Hạ Viện vào ngày 14 tháng 11, khi trả lời các câu liên quan đến những điều tu chính đã phát biểu:
Sau khi được thông qua và đưa vào áp dụng thì cũng có thể kiểm thảo lại để sửa đổi đường lối vận hành, nỗ lực cải thiện pháp án sao cho được hoàn hảo hơn.
Có lẽ vì muốn Tu chính án chóng được thông qua nên nữ Bộ trưởng Mori đã trả lời như thế. Dựa vào câu trả lời này, Truyền thông Nhật đã chỉ trích nặng nề về những lời phát biểu của nữ Bộ trưởng Mori vì nói như vậy là coi như Tu chính án đang đệ trình lên cho Quốc hội là chưa hoàn hảo.
0 Awesome Comments!