Google đã thay đổi cuộc sống con người theo nhiều cách thông qua công cụ tìm kiếm và hệ điều hành di động. Nhưng đó vẫn chưa là tất cả. Hãng này còn có rất nhiều dự án khác làm thay đổi tương lai của con người.
Dự báo tương lai
Google và CIA đã đầu tư vào hệ thống theo dõi mạng web “tương lai”. Cụ thể là thông qua một công ty có chức năng theo dõi mạng Internet theo thời gian thực và sử dụng thông tin thu thập được để dự báo tương lai. Công ty này là “Recorded Future”, có khả năng thu thập một lượng cực lớn dữ liệu từ website, các trang tin tức, mạng xã hội và blog để tìm ra các sợi dây liên kết giữa những sự kiện, tổ chức và con người.
Đây là đoạn giới thiệu của Recorded Future về công việc này: “Các tín hiệu tình báo mạng được tạo ra từ tin tức, blog và truyền thông xã hội mà chúng tôi liên tục thu thập. Sau đó, chúng tôi sử dụng một công cụ phân tích thời gian để nhận diện các sự kiện: quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng tôi kết nối tất cả sự kiện này với nhân tố con người, địa điểm và các tổ chức, trong đó có các công ty và tập đoàn nằm trong danh sách Fortune 500 và các cơ quan chính phủ hàng đầu.
Kéo dài tuổi thọ
Google cũng đầu tư khá nhiều tiền của vào một công ty có tên là Calico chuyên về chăm sóc y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kéo dài tuổi thọ con người và chống chọi với bệnh tật. Trong một thông điệp đưa lên Google+, CEO của Google là Larry Page từng nói rằng: “Art Levinson (cựu chủ tịch Apple và hiện tại đang là CEO Của Calico) và tôi rất quan tâm tới vấn đề tuổi già và chống chọi với bệnh tật. Đây là những vấn đề ảnh tưởng tới tất cả chúng ta và do vậy chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để nghiên cứu chúng”. Calico có tên đầy đủ là “California Life Company”.
Phủ sóng Internet toàn cầu Đó chính là mục tiêu của dự án Project Loon - phủ sóng Internet toàn cầu bằng kinh khí cầu. Các kinh khí cầu sẽ bay trên bầu khí quyển giúp chuyển tiếp tín hiệu kết nối Internet tới các vùng xa xôi hẻo lánh mà các phương thức kết nối truyền thống không thể vươn tới. Dự án này sử dụng các kinh khí cầu để tạo ra một mạng không dây trên không trung có tốc độ kết nối tương đương với mạng 3G. Kinh khí cầu sẽ bay ở độ cao gấp đôi trần bay của máy bay thông thường. Một chiếc kinh khí cầu có thể cung cấp kết nối Internet cho một vùng bán kính 40km.
Thang máy vũ trụ
Google X là cơ sở bí mật của Google đặt cách trụ sở chính tại Mountain View, California khoảng nửa dặm. Tất cả các dự án mang tính định hướng tương lai của Google đều được đặt tại đây, trong đó có cả dự án Project Loon và thang máy vũ trụ. Loại thang máy này có khả năng chuyên chở người từ mặt đất lên trên vũ trụ mà không cần dùng tới phương thức phóng tên lửa đẩy truyền thống. Về cơ bản, mỗi hệ thống thang máy vũ trụ sẽ bao gồm một sợi cáp được gắn với bề mặt gần với đường xích đạo, còn mặt kia sẽ đặt trên không trung trên quỹ đạo địa tĩnh (độ cao khoảng 35.800km).
Nhờ sử dụng các công nghệ tiên tiến, con người sẽ được đặt trong các ống phóng và đẩy vào không gian. Một công ty xây dựng lớn của Nhật Bản là Obayashi Corporation từng tuyên bố vào năm 2012 rằng trong vòng 38 năm nữa công ty này có thể xây dựng hoàn thiện một chiếc thang máy vũ trụ sử dụng công nghệ ống carbon. Thang này có thể chạy với tốc độ 200 km/h và đưa hàng khách lên vũ trụ trong vòng 7,5 ngày.
Xe không người lái
Dự án này đã và đang được triển khai. Google sử dụng một phần mềm có tên là Google Chauffeur để điều khiển những chiếc xe tự hành. Kỹ sư Sebastian Thrun hiện đang làm chủ dự án này. Ông cũng đồng thời là giám đốc Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Stanford và là đồng sáng lập ra Google Street View. Khi dự án được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2010, Google từng nói rằng: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, tiết kiệm thời gian cho con người và giảm lượng khí thải carbon vào không khí”.
Có ít nhất 10 chiếc xe tự hành đã lăn bánh trên đường, trong đó có 6 chiếc Toyota Prius, 1 chiếc Audi TT và 3 chiếc Lexus. Tính tới cuối năm ngoái, các xe này đã chạy được tổng cộng 300.000 dặm và được điều khiển hoàn toàn bằng máy tính. Google cho biết chưa có ý định thương mại hóa hệ thống này.
Năng lượng xanh
Google từng cam kết đầu tư 1 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo (gió và nhiệt năng). Điển hình trong số này là dự án Mount Signal Solar với chi phí đầu tư 103 triệu USD, dự án Jasper Power Project (nhiệt năng) – 12 triệu USD và dự án nông trại gió 161 MW tại Oldham County – 200 triệu USD. Các khoản đầu tư cho năng lượng xanh không những giúp Google thu lợi trong tương lai mà còn giúp công ty này chứng tỏ cam kết đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.
Nhà tự động
Dự án Android@Home giúp chủ nhân của ngôi nhà có thể điều khiển từ xa mọi thiết bị bên trong. Hãy tưởng tượng bạn có thể tắt được đèn ở nhà khi đang ngồi ở văn phòng, hoặc có thể giặt được quần áo khi đang đi bộ bên ngoài. Cơ chế điều khiển từ xa sẽ được thực hiện thông qua một ứng dụng trên smartphone hoặc máy tính bảng của người dùng.
Điều trị ung thư Google đã đầu tư vào một công ty chuyên nghiên cứu các cách thức điều trị căn bệnh ung thư. Foundation Medicine sẽ nghiên cứu các bộ di truyền trên bệnh nhân ung thư rồi chuyển thông tin cho bác sĩ để điều bệnh nhân tốt hơn. Tương lai của công nghệ này sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới của “y học cá nhân hóa”, theo đó bác sĩ có thể điều trị cho bệnh nhân dựa trên thông tin về di truyền học. Được biết, Steve Jobs từng sử dụng phương thức điều trị của Foundation Medicine. Sau cái chết của Jobs, Bill Gates và Larry Page đã dồn khá nhiều tiền cho công ty này để giúp các bệnh nhân ung thư.
Tuệ Minh - (Theo CIO)
|
0 Awesome Comments!