Ai đang kiểm soát mạng Internet?

0

Ai đang kiểm soát mạng Internet?

Ngày nay, Internet đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Nhưng ít ai biết được sự thật rằng mạng Internet được kiểm soát bởi một nhóm 14 người có danh tính cực kỳ bí mật.
Điều này nghe có vẻ giống như những câu chuyện đi ra từng những cuốn sách viễn tưởng của nhà văn Dan Brown. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, toàn bộ mạng Internet mà chúng ta đang sử dụng được kiểm soát bởi những người nắm giữ 7 chiếc chìa khóa khác nhau.
Mới đây, một phóng viên của tờ báo The Guardian là James Ball đã có may mắn được tham dự một buổi lễ với quy trình an ninh nghiêm ngặt. Đây là một buổi lễ trang trọng được tổ chức 4 năm một lần với mục đích trao những chiếc chìa khóa "vàng" đến cho những người sẽ bảo quản chúng.
Vint Cerf - Cha đẻ Internet là một trong những người đầu tiên sáng lập nên ICANN
Buổi lễ này được tổ chức dưới sự chủ trì và giám sát của tổ chức ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers) – Tổ chức Quản lý tên miền và địa chỉ Internet toàn cầu. ICANN có trách nhiệm biến những dãy số địa chỉ thành các tên các trang web để người dùng có thể gõ vào các thanh địa chỉ trên trình duyệt một cách dễ dàng. Những dãy số địa chỉ này được gọi là các địa chỉ IP (Internet Protocol).
Ví dụ như nếu bạn gõ địa chỉ IP 173.252.110.27 trên trình duyệt, bạn sẽ được chuyển hướng tới Facebook còn khi bạn truy cập vào địa chỉ 173.194.118.0 thì bạn sẽ được chuyển hướng tới Google. Nhưng những đường dẫn như Facebook.com hay Google.com sẽ dễ dàng cho người dùng ghi nhớ và gõ vào thanh địa chỉ hơn nhiều so với địa chỉ IP. Công việc của ICANN là biến những địa chỉ IP khó nhớ đó thành các đường dẫn mà chúng ta vẫn quen thuộc khi duyệt web.
Khẩu hiệu của ICANN
Có thể nói, mọi địa chỉ IP và tên miền website đều thuộc quyền quản lý của tổ chức ICANN. Nói cách khác, người nắm toàn bộ dữ liệu khổng lồ của ICANN cũng sẽ là người nắm kiểm soát toàn bộ mạng Internet theo đúng nghĩa đen.
Hãy thử tưởng tượng những điều sẽ xảy ra khi những kẻ xấu nắm quyền điều khiển Internet. Khi đó, chúng sẽ thay thế các địa chỉ trang web thật của ngân hàng bằng những trang web giả để đánh cắp thông tin người dùng.
Mặt khác, nếu có các trường hợp không may xảy ra thì cơ sở dữ liệu của ICANN cũng cần phải được xây dựng lại.
Chính vì vậy, ICANN đã nghĩ ra một biện pháp là tạo ra 7 chiếc chìa khóa "vàng" và giao cho 7 người khác nhau được chọn ra trên toàn thế giới. Họ sẽ giữ những chiếc chìa khóa chính cùng với 7 người khác giữ những chiếc chìa khóa phụ để đề phòng các trường hợp xấu xảy ra.
Lynn Lipinski - đại diện ICANN - ký vào biên bản chính thức của buổi lễ trao chìa khóa
Tuy quốc tịch và thân thế của 14 người này không được tiết lộ, song đó đều là những chuyên gia bảo mật hàng đầu, đều sở hữu lý lịch làm việc trong ngành bảo mật điện toán và đều là nhân viên của những tổ chức bảo mật lớn trên thế giới. Họ được lựa chọn dựa trên xuất thân địa lý cũng như kinh nghiệm cá nhân – không một nước nào được phép có quá hai người giữ khóa.
Những chiếc thẻ thông minh đặc biệt sẽ tạo ra chiếc chìa khóa "chủ" (master key).
7 chiếc chìa "vàng" này được dùng để mở 7 chiếc két sắt bảo mật đặt khắp toàn thế giới. Bên trong những chiếc két này sẽ chứa 7 chiếc thẻ thông minh đặc biệt tương ứng. Khi 7 chiếc thẻ thông minh này được kết nối với nhau, chúng sẽ tạo ra một chiếc chìa khóa "chủ" (master key) – tức là một dãy số bảo mật cho phép truy cập vào hệ thống cơ sở dữ liệu của ICANN.
Những chiếc két bảo mật chứa những chiếc thẻ thông minh đặc biệt.
Bắt đầu từ năm 2010, cứ 4 năm một lần, buổi lễ trao những chiếc chìa khóa "vàng" này lại được ICANN tổ chức để tạo ra một chiếc chìa khóa "mẹ" mới cũng như kiểm tra xem hệ thống có gặp phải vấn đề nào không.
Theo lời James Ball, an ninh của buổi lễ trao chìa khóa là vô cùng nghiêm ngặt và bảo mật, một điều không quá ngạc nhiên với tầm quan trọng của sự kiện. Những người tham dự buổi lễ sẽ phải trải qua nhiều bước kiểm tra an ninh, qua nhiều cánh cửa được mã hóa bằng mật khẩu và vân tay trước khi đến được phòng tổ chức buổi lễ. Những thiết bị liên lạc điện tử cũng không được phép mang vào trong phòng tổ chức buổi lễ.
Một điểm đặc biệt nữa là mã an ninh (security pin) cấp phát cho từng người tham dự được thay đổi liên tục... ngay trong buổi họp để tránh các trường hợp xấu nhất xảy ra.
Dưới đây là video về buổi lễ trao chìa khóa đầu tiên được tổ chức vào năm 2010

Anh Minh
Theo Bussiness Insider