Review Sony Xperia Z3: Smartphone Android tuyệt vời nhất

0
  1. Tinhte-review-xperia-z3-16.
    Xperia Z3 đạt được điểm cao là nhờ Sony đã cải thiện được những nội dung bên trong tương xứng với hình thức bên ngoài của máy. Chúng ta có một chiếc smartphone không chỉ có kích thước vừa phải, đẹp, hoàn thiện xuất sắc mà còn có pin dùng được rất lâu, màn hình đẹp, khả năng thực thi tốt cùng với Camera đã cải tiến đáng kể so với các máy Xperia trước đây. Dĩ nhiên vẫn còn một số điểm mà Sony vẫn có thể cải tiến được trên Xperia Z3 này hay nói khác đi là chưa ngon, cần được cải tiến. Mình đánh giá Xperia Z3 là chiếc điện thoại Android tốt nhất hiện nay.

    Z3 được giới thiệu tại IFA đầu tháng 9 vừa qua và đã được bán ra ở Việt Nam từ đầu tháng này. Rõ ràng Sony đã mang Z3 đến thị trường Việt Nam rất nhanh chứ không chậm như những lần trước. Cùng với Z3 còn có Z3 Compact với kích thước màn hình nhỏ hơn nhưng cấu hình thì không kém.

    Thiết kế và hoàn thiện
    Cho dù tình hình kinh doanh có thế nào đi nữa thì Sony vẫn thể hiện đẳng cấp của họ trong việc thiết kế và hoàn thiện sản phẩm. Và kể cả là 6 tháng một lần thì đội thiết kế của họ vẫn làm việc tốt và vẫn đưa ra những thiết kế mới đẹp hơn, hoàn thiện hơn. Mình đánh giá Z3 là chiếc điện thoại có thiết kế đẹp và hoàn thiện tốt nhất hiện nay và điều này làm cho vị thế của Z3 lên đáng kể khi so với các điện thoại thông minh khác trên thị trường.

    00-Xperia-Z3-colours.

    Nói về thiết kế của Sony thì không có gì phải lăn tăn cả. Chẳng phải đến Z3 thì họ mới làm ra cái điện thoại đẹp. Có lẽ trong lịch sử của thế giới điện thoại thì Sony là hãng tung ra nhiều mẫu điện thoại đẹp nhất. Những chiếc điện thoại Sony mà mình từng rất thích về thiết kế có thể kể đến M600i, P1i, Satio, Art, Z Ultra… Không chỉ có thiết kế mà Sony cũng là hãng tích cực đưa vào sử dụng các nguyên liệu hiện đại cũng như những màu sắc lạ, khác biệt so với các màu cơ bản như trắng, đen, xám trên thị trường.

    Những chiếc Xperia cao cấp nhất như Z3 thường được thiết kế đẹp sang trọng thay vì đẹp trẻ trung như những chiếc Nokia hay đẹp chung chung như những chiếc iPhone. Nếu bạn từng đến Nhật thì bạn có thể nhìn thấy người Nhật ăn mặc rất tỉ mỉ, sang trọng và đẹp. Mình cảm nhận được phần nào cái văn hoá đó của họ trong Z3.

    Về hoàn thiện
    Xperia Z3 được hoàn thiện ở mức rất cao, rất tinh xảo. Mình cho rằng chí phí làm ra Z3 sẽ cao hơn chi phí làm ra những điện thoại cao cấp khác. Không chỉ do số lượng không nhiều mà còn là do Sony làm nó quá kỹ, quá tỉ mỉ. Nhìn vào bất cứ vị trí nào trên Z3 thì bạn cũng thấy Sony làm tốt, làm kỹ.

    Tinhte-review-xperia-z3.

    Nhìn vào cái nắp che lỗ cắp cổng MicroUSB nó thực sự tuyệt vời. Ít sản phẩm thương mại đại trà nào lại được hoàn thiện tốt như thế. Nếu các bạn có một thiết bị dùng cổng MicroUSB, hãy nhìn vào đó để thấy nó khá là nham nhở và bình dân. Sony đã che điều đó lại bằng một cái nắp đẹp. Có thể anh em nói với mình là anh em cần nó nằm bên ngoài để cắm cáp nó dễ dàng hơn. Nhưng thực tế mình dùng thì gần như chỉ cắm khi sạc vào ban đêm thôi. Mình sẽ mua một đế sạc để có thể loại luôn cái thao tác này.

    Mặt trước:
    Tinhte-review-xperia-z3-9.
    Chúng ta có một màn hình 5”2 tỉ lệ 9:16 theo chiều dọc và Sony còn làm hai cạnh trên dưới khá là dày. Việc này về tổng thể cho chúng ta một chiếc điện thoại cao ráo, thanh thoát. Nếu Sony làm cho hai cạnh trên dưới thấp lại thì điện thoại sẽ lùn và cục mịch, không sang (giống Z3 Compact). Tuy nhiên nó sẽ tuyệt vời hơn nếu màn hình tràn ra mép hơn nữa (có thể tỉ lệ là 7:16 hay 9:21) hoặc là Sony đưa mấy cái nút cảm ứng lên trên phần viền màn hình hay vì nằm trên.

    Hai cạnh trên dưới của màn hình Z3, Sony để hai loa. Hai loa này cho âm thanh Stereo và chất lượng tốt, âm lượng cao. Nếu anh em cầm điện thoại coi phim bằng loa ngoài ở một số trường hợp là chấp nhận được. Tuy nhiên mình khuyến cáo anh em làm việc này ở nhà anh em hoặc chỗ nào riêng tư hoặc chỉ có nhóm bạn của anh em thôi. Việc mở loa ngoài ở nơi công cộng là vô duyên và chẳng thể nào cho thấy máy có âm thanh hay được.

    Hai lỗ loa ở hai mép này khoét tròn theo thiết kế chung của máy. Nhiều anh em nói sao Sony không làm như ở Z2 cho nó gần mép kính. Mình cho rằng như thế này đồng bộ về thiết kế hơn, nếu làm cái kiểu loa Z2 lên Z3 sẽ không đẹp.

    Ở cạnh trên của màn hình, ngay giữa là logo SONY nho nhỏ, bên trái là cảm biến và bên phải là camera trước.

    Mặt sau:

    Tinhte-review-xperia-z3-7.

    Sony vẫn trung thành với lựa chọn hai mặt kính trong thiết kế của mình. Những điện thoại cao cấp được làm theo cách này từ hồi Xperia Z và họ đang phổ cập nó xuống các dòng thấp hơn. Z3 cũng theo triết lý này, mặt sau phẳng kính như mặt trước. Các thông tin và nội dung trên mặt sau cũng rất ít và được bố trí tinh tế. Chúng ta có cụm camera ở góc trên, bên trái của máy, cách đều hai cạnh trên và bên. Dưới Camera là đèn flash nhỏ và bên hông camera là thông tin về ống kính, độ lớn cảm biến rồi độ phân giải, các thông tin về camera này đều được in một cách rất tinh tế không phải dạng phô trương cho dùng thông số về máy hình của Z3 rất ấn tượng.

    Logo NFC, SONY và XPERIA được đặt ở giữa, dọc theo máy và ở các vị trí và kích thước khác nhau. Nhìn trực diện vào mặt sau các bạn sẽ thấy miếng kính của mặt sau được đặt vào khung sườn của máy. Chúng ta thấy được sự đều đặn của các cạnh và có cảm giác giống như là mặt kính lưng máy lọt thỏm vào cạnh sườn. Tuy nhiên khi rờ vào thì thấy phẳng chứ không lõm vào.

    Cạnh trái:
    Tinhte-review-xperia-z3.

    Cạnh trái của máy chúng ta có 3 thành phần. Dưới cùng là lỗ để móc dây đeo tay, ở giữa là chỗ tiếp xúc với đế sạc và bên trên là nắp che cổng kết nối MicroUSB. Hai đầu của cạnh trên anh em còn nhìn thấy 2 cục nhựa, mình sẽ nói về hai cục này sau, thực chất là 4 cục 4 góc của máy.

    Lỗ móc dây đeo tay là một đặc điểm rất hay của điện thoại Sony. Có lẽ họ có được kinh nghiệm này vì họ làm rất nhiều sản phẩm dân dụng cầm tay như máy ảnh, máy nghe nhạc… Mình rất thích điều này vì khi móc dây vào mình thấy dễ dàng móc máy ra khỏi túi hay cầm trên tay mình thấy an toàn hơn. Rõ ràng là chiếc máy ảnh nào cũng có cái này, nếu một chiếc điện thoại với máy ảnh đến 20Mp thì chúng ta nên có cái này. Nokia cũng trang bị lỗ móc này trên Lumia 1020, chiếc điện thoại có máy ảnh rất tốt của họ. Lỗ này được làm rất kỹ, độ tỉ mỉ cao. Điều đáng tiếc là Sony không tặng sợi dây đeo tay trong hộp mà anh em cần phải đi mua bên ngoài.

    Tinhte-review-xperia-z3-11.
    Lỗ móc đây đeo tay trên Z3. Sony là hãng làm ra rất nhiều sản phẩm cầm tay (Portable) như máy nghe nhạc, máy ảnh, điện thoại... móc dây đeo vào thiết bị cầm tay như là một kinh nghiệm quý của họ. 

    Ở ngay giữa cạnh trái của máy Sony có để một khu vục cho việc sạc thông qua đế sạc của họ. Cái này Sony đã bắt đầu làm từ lâu rồi, qua nhiều đời máy. Mình từng dùng nhiều chiếc Sony có trang bị cái này nhưng không hiệu quả vì nó lỏng lẻo và mỗi chiếc lại mỗi đế hoặc dây sạc khác nhau. Trong khi Apple có bộ sạc tương tự cho Macbook thì lại rất hiệu quả. Sony cần phải có nam châm hít mạnh hơn và cái đầu sạc, đế sạc có thể dùng trên nhiều điện thoại khác nhau thì mới ngon.

    Tinhte-review-xperia-z3-2.
    Bên trên cùng là nắp đậy cổng kết nối MicroUSB. Như nói bên trên việc để lệ cổng này là khó mà đẹp được cho thiết kế của máy. Sony che đi vừ làm đẹp vừa để chống nước vào trong máy thông qua cổng này. Cổng này được hoàn thiện tốt, tinh xảo, nhìn vào là bắt mắt. 
    Cạnh phải:
    Tinhte-review-xperia-z3-3.

    Cạnh phải của máy chúng ta có tổng cộng 4 phần chức năng khác nhau. Các hãng khác mà nhé 4 nút chứng năng trên cùng một cạnh thường nhìn rất rối mà xấu. Tuy nhiên Sony lại làm cho mọi thứ nhìn đẹp hơn.

    Trên cùng là nắp che khe Nano SIM và thẻ MicroSD. Nắp này dài và phải gắn vào một cách cẩn thận. Tuy nhiên người dùng ít khi tháo cái này ra nên không vấn đề gì. Nắp được làm tương tự như nắp ché cổng MicroUSB ở cạnh trái nhưng dài hơn. Sony cũng chỉ in chữ microSD thôi chứ không in chữ NanoSIM. Có lẽ in nhiều sẽ khá rối hay sao đó.

    Nút khoá/mở màn hình truyền thống của các máy Xperia. Nút này rất đặc trưng. Các hãng đều dùng nút dẹp chạy dọc thân máy thì Sony làm nút tròn. Nút bằng kim loại và họ khắc biểu tượng tắt/mở máy lên nút. Nút nhìn rất đẹp và sang.

    Phía dưới nút tắt/mở màn hình anh em thấy nút tăng/giảm âm lượng. Nút này nhỏ, mảnh và chạy dọc thân máy. Vị trí nút này so với nút khoá/mở màn hình của Sony khá tương đồng trên các máy. Nút này hoạt động tốt, mình không gặp khó khăn gì trong quá trình sử dụng với nút này cả.

    Tinhte-review-xperia-z3-12.
    Bên dưới chút là nút chụp hình. 

    Mình thích nút chụp hình cứng trên điện thoại, nó giúp mình khởi động mày hình một cách đơn giản nhất. Không chỉ là thao tác mà còn ở cái đơn giản, mình không cần phải suy nghĩ hay nhìn vào màn hình, chỉ cần bấm và nó mở camera. Điều mình không thích ở nút này là nó nằm quá sát biên, khi mình chụp một tay thấy khá là chơi vơi, sợ rớt máy.


    Cạnh trên và cạnh dưới là các cạnh đẹp của Z3 với ít chức năng và nhìn trơn tru rất thích.

    Sony không cắt thân máy ra để chia tách antena như là Apple, Nokia, HTC hay Samsung làm. Mình thấy trên thân máy không có phần tách antena. Có thể là họ không dùng thân máy làm Antena hoặc là dùng cách khác để tách.

    4 góc của máy có 4 cục kết nối, nhìn tương tự như cục kết nối ở các tủ nhôm. Theo quan sát của mình thì 4 góc này làm khá đẹp và 4 góc này có chức năng là bảo mệ máy khi bị rớt. Tức là khi Z3 rớt xuống thì các góc sẽ là các điểm sẽ tiếp đất trước. Việc trang bị nguyên vật liệu có tính đàn hồi ở 4 góc sẽ giúp nó hạn chế được hỏng, vỡ khi rớt. Z3 là một chiếc điện thoại mỏng, nhẹ, đẹp nên việc thiết kế các thành phần có tính bảo vệ là rất cần thiết.
    Tinhte-review-xperia-z3-8.
    Mình làm rớt chiếc Z3 này từ bàn cá phê cao khoảng chừng 80cm xuống nền bên tông ở cafe Tinh tế và các bạn thấy góc nhựa trày một chút. Nhờ 4 góc này mà máy được bảo vệ tốt hơn khi rớt. Sony phải tính cái này vì hai mặt của mày đều là kính.

    Màn hình
    Tinhte-review-xperia-z3-13.

    Màn hình Z3 tuyệt vời về màu sắc, có thể nói là chiếc điện thoại có màu sắc đẹp nhất hiện nay. Tuy nhiên Sony cũng như Google với Android sử dụng không hiệu quả màn hình của Z3. Anh em có khả năng vọc vạch, root, tuỳ biến nhiều hơn thì có thể tăng tính hữu dụng của màn hình lên một chút.

    Màu sắc và chất lượng hình ảnh.
    Tinhte-review-xperia-z3-10.
    Sony vốn không có truyến thống trang bị màn hình đẹp cho điện thoại cao cấp của họ. Họ mới làm việc đó từ năm nay, Z3 là cái điện thoại cao cấp thứ 2 được trang bị màn hình chất lượng cao và nó thể hiện cực kỳ tốt. Nó còn tốt hơn nếu anh em ở chế độ xem hình hay xem video thì lúc đó Bravia Engine được kích hoạt. Sony còn mang cả công nghệ XReality vốn được dùng trên các TV của họ lên Xperia. Công nghệ XReality giúp cho hình ảnh độ phân giải không cao thể hiện tốt trên màn hình độ phân giải cao.

    Có thể ví nôm na là chúng ta có một màn hình rực rõ màu sắc khi xem hình, xem phim và một màn hình bình thường, màu sắc thật khi ở giao diện chính. Giống như chúng ta có cả hai cái điểm mạnh của AMOLED và LCD trên một màn hình.

    Màu sắc trên màn hình Z3 là rất tốt. Chúng ta có giải màu khá là rộng, lượng màu có thể thể hiện được nhiều. Màn hình cũng có một độ trong rất là tốt, thể hiện màu đen tốt và không bị lẫn lộn màu sắc. Ngay cả khi giảm độ sáng màn hình thì màu sắc vẫn thể hiện ngon lành. Nếu so về tổng thể thì màn hình Z3 có thể nói chỉ thua màn hình của Lumia 1520 do màn hình Lumia có công nghệ Clear BlackDisplay, công nghệ này giúp triệt tiêu các hình ảnh không mong muốn vào mắt nên nó luôn làm cho màn hình trong trẻo, màu sắc rõ ràng và đẹp trong mọi điều kiện. Các máy khác mình có cơ hội so sánh như iPhone 6, iPhone 6 Plus (màn hình rất đẹp) hay G3, Note 4 thì đều không thể so với màn hình Z3.

    Sử dụng diện tích màn hình:
    Tinhte-review-xperia-z3-3.
    Tuy nhiên việc sử dụng hiệu quả màn hình của Z3 lại không tốt. Sony với việc để 3 phím cơ bản trên phần hiển thị của màn hình cùng với thanh menu đen thui của Android và các tab chiếm nhiều diện tích của Android làm cho phần hiển thị hữu dụng của nội dung không còn nhiều. Đây là cái mà làm cho mình cảm thấy rất phiền hà khi dùng Z3. Anh em có thể nhìn cái hình phía dưới, ứng dụng chát Head của FB trên Z3 cho trải nghiệm cực kỳ chán, chúng ta chỉ đọc được 2 hàng nội dung.

    Mình thích cách của Samsung làm là mang các nút cảm ứng lên trên viền màn hình hơn là trên phần hiển thị. Và với Z3 thì cái khung viền màn hình còn rất lớn nên việc mang lên đó để là hoàn toàn hợp lý cả về thiết kế, hữu dụng cho đến thao tách chạm vào các nút đó đều không làm mất cân đối máy.

    Tinhte-review-xperia-z3-15.
    Ví dụ chát Facebook Head Up trên Z3, cả Sony, Google và Facebook đều có tội trong việc đưa một trải nghiệm cực tệ đến người dùng. Màn hình 5"2 mà chúng ta chỉ có thể tháy được 2 hàng nội dung chát. Nếu ai đó gửi một biểu tượng vui vẻ to là coi như không nhìn thấy được. Apple làm rất tốt cái khoản này trên iOS 7 và 8.

    Một cách khác có thể làm cho màn hình của Z3 hữu dụng hơn là làm cho màu của thanh Menu đồng màu với ứng dụng. Việc này đòi hỏi cả Google và Sony cùng làm. Hiện Apple làm tốt nhất việc này. ASUS, LG, Samsung cũng làm khá tốt với một số ứng dụng mặc định đã biến màu của thanh menu giống màu thanh tab của ứng dụng.

    Google cũng có thể nâng cao hiệu quả sử dụng màn hình bằng cách cho lập trình viên làm các các app với thanh menu app hay thanh tab mỏng hơn để không gian cho việc hiển thị nội dung.

    Pin
    2628507_Tinhte-Xperia-Z3-Pin.

    Mình xếp Z3 vào hạng nhất về pin khi so với bất kể điện thoại thông minh nào. Vấn đề thứ nhất là pin của Z3 rất trâu, có thể thoải mái dùng đến 12 giờ đêm mà không hết. Vấn đề thứ 2 là Z3 là một chiếc điện thoại nhỏ, nhẹ, đẹp chứ không phải loại to con lực sĩ như iPhone 6 Plus hay là Note 4.

    Tổng thời gian màn hình mở có thể lên đến hơn 6 tiếng. Hàng ngày mình dùng nhiều thì khoảng 5 tiếng, còn bình thường là hơn 4 tiếng. Rõ ràng là Z3 đáp ứng vượt mức nhu cầu sử dụng của mình khá là nhiều. Mình thường rút điện thoại ra khỏi sạc lúc 6 giờ 30 hoặc 7 giờ sáng và đến 12 giờ đêm thì Z3 vẫn còn kha khá pin.

    Z3 mỏng 7,4mm và trọng lượng là 153g so với Note 4 mỏng 8,5mm và nặng 176g và iPhone 6 plus mỏng 7,1mm và nặng 172g. Pin của Z3 có dung lượng là 3100mAh so với 3220mAh của Note 4 và của iPhone 6 Plus là 2915mAh.

    Z3 về kích thước thì đúng nhất là so với iPhone 6 nên so về pin với iPhone 6 thì Z3 vượt trội hơn rất nhiều. Rõ ràng Sony không chỉ trang bị nhiều pin trên một chiếc máy nhỏ nhẹ mà còn sử dụng hiệu quả dung lượng pin đó để cho thời gian sử dụng rất cao.

    Camera
    Ghi nhận những cải tiến của Sony về chế độ chụp tự động trên Z3. Giờ chúng ta có thể dùng nó thoải mái hơn, nhiều hơn vì chế độ tự động đã chính xác hơn, cho hình đẹp hơn so với hồi mình dùng các chiếc Z trước. Tuy nhiên tổng thể Camera của Z3 với cấu hình rất khủng vẫn còn kém Camera của các máy cao cấp khác. Sony vẫn còn có thể làm cho Camera tốt hơn, dễ dùng hơn bằng các thanh đổi về phần mềm.

    Về camera của Sony chúng ta có cá điểm cần nói đến như sau:

    Nút cứng:

    Nút này rất tiện vì chúng ta có thể mở máy ảnh mà không cần phải suy nghĩ, quan sát. Nhờ đó mà bạn có thể nhanh chóng và vẫn giữ được cảm xúc hay hứng thú muốn chụp tấm hình đó vì từ lúc muốn chụp cho đến lúc mở máy ảnh bạn không bị phân tán bở hành động cũng như suy nghĩ khác. Đây là hành vi giống máy ảnh nhất. Mình đánh giá cáo các nút cứng trên điện thoại để mở máy ảnh.

    Nút cứng của Camera trên Z3 sẽ luôn đưa bạn vào chế độ siêu tự động thay vì đưa mình về trạng thái chụp hình trước đó hay chế độ nào đó mà được người dùng thiết lập sẵn. Dĩ nhiên nếu chế độ chụp tự động ngon thì việc này sẽ ngon.

    Các chế độ chụp, hiệu ứng
    Sony trang bị rất nhiều chế độ chụp và hiệu ứng khác nhau. Cơ bản nhất là chế độ M nơi mà anh em có thể chỉnh sáng/tối qua hai thao tác. Về hiệu ứng, các tính năng trên camera thì Z3 không thể kể hết vì họ còn mở cửa cho các hãng thức 3 tính hợp vào phần này.

    Có nhiều chế độ chụp khác nhau trên Xperia Z3 và chúng ta có thể cài thêm rất rất nhiều chế độ chụp khác. Nếu bạn muốn nghịch các tính năng của Camera trên điện thoại thì Xperia Z3 cho bạn nhiều lựa chọn nhất.

    Chế độ mọi người sẽ chụp nhiều nhất là chế độ siêu tự động iAuto. Tuy nhiên chế độ này cho chất lượng ảnh không cao và độ phân gải chỉ có 8Mp trong khi cảm biến của máy là 20Mp.

    Tinhte-review-z3-2.
    Chế độ mọi người nên dùng nhất là chếc độ M vì chúng ta có hình ảnh chất lượng cao hơn, có thể chỉnh độ phân giải 20Mp và quan trọng là có thể chỉnh sáng tối được tuy phải đi vào trong một bước nữa.

    Xperia dùng trình chỉnh sửa ảnh mặc định của Android mới được nâng cấp. Có thể nói đây là trình chỉnh sửa anh có nhiều tính năng cao cấp nhất trên các thiết bị di động. Tuy nhiên nó lại quá nhiều và bố trí khá phức tạp để người dùng có thể khám phá hết được.

    Up hình lên Facebook bộ phân giải cao:
    Sony cài sẵn trong máy một phần mềm nhúng tên là Chia Sẻ Xperia, nó sẽ giúp hình tải từ Xperia lên Facebook ở độ phân giải tối ưu 2048 điểm ảnh. Do đó hình ảnh up Facebook từ Z3 nhìn trên các máy độ phân giải cao hay từ App Facebook trên Z3 rất rõ ràng và đẹp. Loạt hình dưới đây mình tải ngược về từ các hình up lên Facebook từ Xperia Z3, anh em có thể thấy được chất lượng của nó là rất tốt.

    10271337_10204637832803070_1460691700082353665_o.


    Hiện các máy Windows Phone 8.1, các máy iOS 8 cũng làm được điều này. Các máy Android khác muốn up hình lên độ phân giải cao thì cài thêm phần mềm Pixlr Expresss.

    Hình gốc chụp bằng Xperia Z3, anh em có thể xem ở đây: https://www.tinhte.vn/gallery/albums/hinh-chup-boi-xperia-z3.1513/

    Video quay bằng Xperia Z3:




    Khả năng thực thi:
    Không có gì phải phàn nàn với khả năng thực thi của Z3 cả. Máy trang bị vi xử lý Snapdragon 801 2,5Ghz, chạy Android Kitkat 4.4, giao diện đơn giản nên mọi thao tác đều thể hiện rất tốt. Mình không thử nghiệm các game nặng hay các thao tác nặng trong quá trình trải nghiệm. Chỉ xin chia sẻ với anh em một số kết quả benchmark.

    Một số kết quả benchmark cho anh em nào quan tâm. Mình thì không quan tâm đến cái này. Cứ máy mượt là được. Mấy cái này không nói lên nhiều.

    Chống nước và bụi:
    Sony Xperia Z3 được trang bị khả năng chống nước và bụi. Tiêu chuẩn trên Z3 là IP65 và IP68 tức là có thể chống được tia nước bắn vào ở mọi góc độ khác nhau và có thể ngâm dưới nước 30 phút ở độ sâu 1,5m. Điều làm nên đặc biệt ở những chiếc Xperia có chống nước và bụi là nó vẫn rất mỏng và đẹp chứ không phải loại hầm hố. Sony là hãng rất chăm chỉ duy trì khả năng này cho các máy cao cấp và trung cấp.

    Âm thanh chất lượng cao:
    Ngoài khả năng xử lý âm thanh độ phân giải cao ra thì Sony còn mang các kinh nghiệm từ Walkman san Z3. Chúng ta có nhiều profile âm thanh khác nhau để phù hợp với các tai nghe khác nhau của Sony, chúng ta cũng có các công nghệ âm thanh độc quyền của Sony được trang bị trên Z3. Một đặc tính quan trọng nữa là khả năng xuất âm thanh gốc chất lượng cao qua cổng USB giúp Z3 trở thành một nguồn phát chất lượng cao cho những ai thích trải nghiệm âm thanh cao cấp. Mình mua thẻ 128GB bỏ vào máy và chép nhạc độ phân giải cao vào thử thấy khá hài lòng với chất lượng âm thanh ra.

    Hệ sinh thái sản phẩm tốt:
    Sony là hãng làm tốt nhất hệ sinh thái phụ kiện, và nhất là việc tích hợp công nghệ NFC để giúp các thiết bị của họ kết nối với nhau dễ dàng hơn. Với chiếc Z3 nà thì anh có rất nhiều phụ kiện mang thương hiệu Sony như đế sạc, dây sạc nam châm, tai nghe, loa không dây nhiều loại, USB DAC…

    Hệ điều hành
    Z3 chạy Android 4.4.4 và sẽ được nâng lên 5.0 vào năm sau. Tất cả các máy Android trừ Nexus hiện nay đều chạy hệ điều hành bản này. Android 4.4.4 trên Z3 được tối ưu hoá tốt, chạy mượt, không hao pin.
    Android hiện nay cũng là hệ điều hành lớn nhất nếu tính về số lượng người dùng và cũng hàng đầu về tính năng và chợ ứng dụng.

    Tuy nhiên Android cũng là cái mà kéo điểm tổng thể của Z3 xuống khá nhiều. Trong đó có hai điểm mà anh em sẽ phải đối mặt là bộ gõ Tiếng Việt và phần nội dung hiển thị trên màn hình của Z3.

    Bộ gõ
    Sony trang bị bộ gõ Tiếng Việt kiểu Telex trên Z3 cũng như các máy smartphone khác của họ. Bộ gõ này hoạt động theo kiểu gõ telex nhưng dự đoán chữ và người dùng chọn chữ dự đoán đúng. Nếu bạn tắt cái dự đoán đó đi thì bạn có gõ kiểu telex nó cũng không nhận được từ. Sony cho phép học các từ từ Facebook, Gmail hay SMS để dự đoán nhanh hơn và chính xác hơn.

    Lợi thế của bộ gõ này là thiết kế đẹp, phù hợp với giao diện của máy và người nào gõ chậm sẽ thấy thích vì chữ mình muốn gõ nó hiện ra cho chọn.

    Vậy cái điểm yếu của bộ gõ này là gì. Để biết được điểm yếu nó mình sẽ chia sẻ dựa trên kinh nghiệm gõ trên các máy khác nhau gồm có Windows Phone và iPhone. Trong đó ở Windows Phone chúng ta có bộ gõ Telex cơ bản nhất, chỉ gõ theo nguyên tắc và sẽ ra từ đúng, nếu gõ sai thì xoá đi gõ lại. Còn trên iOS thì chúng ta cứ gõ máy sẽ tự động phân tích động tác gõ trên bàn phím, vị trí gõ trên bàn phím, các phím xung quanh kết hợp cùng với tự điển và thói quen gõ để đưa ra kết quả dự đoán. Vậy thì bộ gõ của Sony nằm ở khoảng giữa 2 bộ gõ này.

    Nếu gõ chậm thì bộ gõ của Sony ngon còn nếu gõ nhanh, tức là gõ vô thức theo thói quen thì bộ gõ của Windows Phone và iOS hơn. Trên iOS thì sự tiện lợi trên một bậc vì máy tự động sửa từ sai luôn, còn trên WP thì chúng ta phải xoá từ sai.

    Sau một thời gian cố gắng gõ với nhiều bàn phím khác nhau một cách bình thường mình mình nhận thấy nên dùng một bộ gõ nào đó để đưa bàn phím của Z3 về giống ới bàn phím của Windows Phone, tức là không cần thông minh, chỉ cần gõ đúng và nó ra đúng, sai thì xúa đi sửa và lúc đó chúng ta sẽ cố gắng gõ cho đúng là xong. Mình chọn bàn phím Laban vì nó có theme Android L đẹp.

    Google có rất nhiều thông tin về thói quen của người dùng, nội dung người dùng gõ... và cả một hệ thống máy chủ cực kỳ thông minh để phân tích. Giá mà Google chịu làm một bàn phím Tiếng Việt cho Android một cách nghiêm túc thì chắc chắn sẽ tốt không kém gì bàn phím của iOS.

    Sử dụng hiệu quả diện tích màn hình:
    Một phần nữa về Android trên Z3 mình muốn chia sẻ là màn hình giành cho việc hiển thị nội dung cần thiết chiếm tỉ lệ thấp. Tốn rất nhiều không gian để chứa các nội dung như thanh menu của hệ điều hành, thanh menu của app.. .và ở Z3 thì còn thêm khoảng màn hình chứa 3 nút cơ bản của Android. Không chỉ là diện tích thực tế mà cả về cảm giác khi nhìn thì Z3 cũng rất kém khi để giao diện mặc định. Phần chứa nút cơ bản của Android và thanh Menu bên trên làm cho màn hình cụt lại đáng kể trong khi điện thoại lại rất dài.

    Tinhte-review-z3.
    Tỉ lệ hiển thị hữu ích của Xperia Z3 kém hơn so với iPhone 6. Tốn nhiều diện tích màn hình cho những phần không chứa nội dung. Đây là tình trạng chung của các máy Android.

    Sony, HTC là hai hãng có thiết kế và hoàn thiện tốt nhưng lại sử dụng màn hình rất kém và trải nghiệm người dùng bị giảm đi khá nhiều vì điều này. Mình vẫn mong một ngày họ thay đổi khi mang 3 phím Android xuống dưới và Google thì làm lại cái OS, cái quy định về thanh menu ứng dụng để người dùng có thể sử dụng tốt hơn màn hình điện thoại. Apple đã thay đổi điều này từ iOS 6 lên iOS 7.

    Kết:
    Mình đánh giá Sony Xperia Z3 là chiếc Smartphon Android tốt nhất hiện nay là vì nó có được đầy đủ nhất những yếu tố cần thiết của một chiếc điện thoại thông minh. Nó có kích thước không quá to để có thể cầm đi cả ngày, nó có thiết kế đủ đẹp để các chiếc điện thoại khác phải ngước nhìn, nó có sự hoàn thiện cao cấp và tinh xảo mà chẳng có chiếc nào hiện nay có được. Và Những điểm mà người dùng Android luôn muốn ở một chiếc smartphone là Pin, khả năng thực thi, màn hình đẹp, camera tốt thì Z3 đều có. Có 2 điểm làm cho Z3 mất điểm là bộ gõ Tiếng Việt và việc màn hình 5"2 bị chiếm dụng nhiều.

    Điều làm cho Sony Xperia Z3 tuyệt vời
    • Thiết kế đẹp, hoàn thiện tốt
    • Kích thước vừa phải
    • Pin xuất sắc
    • Màn hình đẹp
    • Trình chỉnh sửa ảnh ngon
    • Khả năng thực thi
    • Khác: chống bụi, nước, hệ sinh thái phụ kiện tốt
    Điều làm cho Sony Xperia Z3 không tuyệt vời
    • Bàn phím Tiếng Việt không ngon
    • Màn hình bị chiếm dụng quá nhiều cho các nội dung không cần thiết
    • Camera ở mức trung bình khá cho một sản phẩm cao cấp
    Video review: