Ứng dụng Google Settings để làm gì? Tìm máy, định vị, tự đăng nhập, chỉnh quảng cáo...

0
  1. Tinhte_ung_dung_Google_Settings_HEADER.
    Hai năm trước Google bắt đầu thêm một ứng dụng mang tên "Google Settings", hay còn gọi là "Cài đặt Google", lên hầu hết những thiết bị Android. Ban đầu phần mềm này chỉ đơn giản là để quản lý các thiết lập liên quan đến tài khoản Google của chúng ta mà thôi, nhưng theo thời gian hãng bổ sung thêm nhiều tính năng mới để chúng ta có thể tắt bật những dịch vụ trên máy, tìm thiết bị khi thất lạc, tinh chỉnh Google Now, Google Voice Search và còn nhiều thứ khác nữa. Hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kĩ hơn về những gì chúng ta có thể làm với app này nhé.

    Nội dung chính
    Noi_dung_chinh.

    Tắt bật tính năng tìm kiếm máy thất lạc

    Trình quản lý thiết bị Android (Android Device Manager) là một công cụ do chính Google cung cấp để tìm kiếm lại thiết bị Android của chúng ta trong trường hợp nó bị thất lạc hay lấy cắp. Máy sẽ sử dụng kết nối 3G, Wi-Fi và GPS để định vị, và bạn có thể dùng trình duyệt để theo dấu máy. Trong trường hợp xấu nhất không thể tìm lại thiết bị, bạn có quyền xóa hết dữ liệu từ xa và khóa máy vĩnh viễn.

    Để cho phép Android Device Manager hoạt động, bạn phải vào mục Dịch vụ > Bảo mật > chọn vào dòng "Định vị từ xa thiết bị này" và "Cho phép khóa và xóa từ xa".

    Xem thêm thủ thuật với Android Device Manager

    Android_Device_Manager_Setting.

    Tắt quảng cáo định hướng

    Quảng cáo định hướng là kiểu hiển thị các mẩu quảng cáo có tính liên quan đến sở thích và hành vi của cá nhân bạn. Đây là một cách mà các công ty quảng cáo mang đến thông tin hữu ích hơn và chính xác hơn cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn xem quảng cáo định hướng, một số người thì lo lắng cho tính riêng tư của mình nên không muốn ai biết về sở thích hay thói quen gì cả. Nếu bạn là người như thế, hãy vào Dịch vụ > Quảng cáo > bật dòng "Chọn không tham gia quảng cáo dựa trên sở thích".



    Gỡ bỏ liên kết giữa ứng dụng với tài khoản Google

    Rất có khả năng bạn đang liên kết tài khoản Google của mình với rất nhiều ứng dụng mà bạn không hề hay biết. Ví dụ, bạn có thể link nó với ứng dụng Mail trên máy tính, kết nối với Evernote, đồng bộ với hệ điều hành OS X hay Windows, thậm chí là cả những app nào lạ hoắc mà bạn mới thấy lần đầu. Với những app đáng tin cậy thì không sao, nhưng lỡ bạn link với app mã độc hay có ý đồ xấu nào đó thì thông tin cá nhân của bạn có thể bị đánh cắp, tệ hơn nữa là mất luôn tài khoản Google.

    Rất may mắn, Google Settings cho phép chúng ta quản lý và nếu cần thì có thể nhanh chóng ngắt kết nối giữa một app nào đó với tài khoản Google. Tất cả những gì bạn cần làm đó là:
    1. Vào Google Settings > Ứng dụng đã kết nối (nằm ở cuối cùng)
    2. Chọn tài khoản Google của bạn ở cạnh trên màn hình
    3. Chờ một chút, danh sách các app đã kết nối sẽ xuất hiện
    4. Để ngắt kết nối giữa app với tài khoản Google, chọn vào app đó
    5. Nhấn nút "Ngắt kết nối".
    Connected_app_Google_Acocunt.

    Tùy chỉnh tài khoản Google

    Nguyên một mục "Tài khoản" có ba mục con:
    • Đăng nhập và bảo mật: xem những máy đã đăng nhập bằng tài khoản Google, xem các app và trang web nào được pháp kết nối với tài khoản Google... Lưu ý là Google sẽ mở trình duyệt để điều chỉnh các thiết lập này.
    • Thông tin cá nhân và bảo mật: như cái tên đã nói - bạn được quyền chỉnh sửa thông tin cá nhân cho từng tài khoản của mình, bật tất những tính năng nào sẽ được ghi nhận vào lịch sử (ví dụ: bạn có thể cho Google lưu lại lịch sử xem trên YouTube nhưng không cho lưu lịch sử tìm kiếm bằng Search),
    • Tùy chọn tài khoản: chỉnh ngôn ngữ mặc định cho tài khoản (chỉ là tài khoản thôi, không áp dụng cho thiết bị Android), quản lý bộ nhớ Google Drive, và cuối cùng là xóa tài khoản hoặc dịch vụ.
    Những tính năng này bạn hoàn toàn có thể tự nghịch được nên mình không cần nói chi tiết hơn, mà chủ yếu cũng chỉ là thiết lập tài khoản thôi chứ không có gì hấp dẫn mấy.

    Kiểm soát khi nào thì Google Drive được upload file

    Trong mục "Quản lý dữ liệu" hiện chỉ có một tùy chọn duy nhất. Nó cho phép bạn chọn khi nào thì Google Drive được quyền upload dữ liệu của bạn lên dịch vụ đám mây này. Mặc định, Drive chỉ được phép làm điều đó khi máy kết nối Wi-Fi, còn nếu không thì bạn hãy chọn sang "Cả Wi-Fi và mạng di động". Lưu ý rằng việc upload tập tin bằng mạng di động (3G, 4G) có thể làm máy của bạn hao pin hơn và tiền cước 3G tăng lên, bù lại file của bạn sẽ được đồng bộ nhanh chóng hơn.

    Tinh chỉnh khả năng định vị

    Nếu bạn vào mục Dịch vụ > Vị trí > Phương pháp định vị, bạn có thể chỉnh 1 trong 3 tùy chọn sau.
    • Sử dụng GPS, Wi-Fi và mạng di động: mức tiêu thụ điện sẽ nằm ở khoảng trung bình do thiết bị sẽ linh hoạt chuyển giữa ba kết nối này với nhau để định vị, tùy vào kết nối nào đang có. Ví dụ, khi bạn ở trong nhà thì máy chỉ dùng Wi-Fi và mạng di động, còn ra đường thì tự chuyển sang GPS.
    • Mạng di động và Wi-Fi: việc chỉ dùng hai kết nối này để tìm kiếm sẽ mang lại thời gian dùng pin lâu nhất trong số 3 tùy chọn, bù lại độ chính xác sẽ bị giảm đi.
    • Chỉ GPS: hao pin rất nhiều, nhưng bù lại độ chính xác sẽ cao hơn hai tùy chọn trên, đặc biệt là khi ra đường.
    Vậy bạn nên chọn tùy chọn nào? Mình khuyên các bạn dùng cái đầu tiên, tức là sử dụng cả ba kết nối không dây để định vị. Tùy chọn này mang lại độ chính xác đủ dùng cho hầu hết các tác vụ, kể cả chỉ đường bằng Google Maps, trong khi không làm máy chúng ta hao pin nhanh. Lý do là vì Wi-Fi và 3G/4G có mức độ xài điện thấp hơn GPS. Chỉ khi nào cần thì máy mới kích GPS lên mà thôi.

    Dich_vu_dinh_vi_Google_Location.

    Cấu hình Google Now/Search, nhập giọng nói tiếng Việt, chỉnh nội dung được phép tìm kiếm

    Nếu bạn vào Google Settings > Tìm kiếm và Hiện hành, bạn có thể làm rất nhiều thứ liên quan đến việc tìm kiếm, kích hoạt trợ lý ảo Google Now và thậm chí là bật tính năng nhập giọng nói tiếng Việt nữa. Những mục đáng chú ý bao gồm:
    • Ngôn ngữ tìm kiếm: việc thiết lập ngôn ngữ chính xác sẽ giúp Google trả về kết quả một cánh chính xác hơn và liên quan hơn khi bạn tìm trên Google.com
    • Giọng nói: có thể điều chỉnh việc nhập giọng nói từ tiếng Anh sang tiếng Việt, lúc này thay vì gõ chữ thủ công thì bạn có thể nhấn vào biểu tượng microphone trên bàn phím ảo và đọc chữ, máy sẽ tự động chuyển thành văn bản. Bạn cũng có thể bật tính năng OK Google ở đây.
    • Tìm kiếm trên điện thoại: chỉnh những nội dung nào sẽ được tìm kiếm khi bạn dùng thanh search mặc định của Google. Ví dụ, nếu bạn chỉ muốn tìm trong danh bạ và không cho tìm trong tin nhắn thì bạn có thể làm điều đó ngay tại chỗ này.
    • Thẻ hiện hành: bật tắt tính năng Google Now. Lưu ý là bạn phải đổi ngôn ngữ thành tiếng Anh và khởi động lại máy thì mới kích hoạt được Now
    Google_Now_Search_settings.
    Smart Lock cho mật khẩu

    Đây là tính năng cho phép các ứng dụng cài vào máy được quyền tự động đăng nhập bằng tài khoản của bạn. Ví dụ, trước đây mình từng đăng nhập vào Evernote trên một máy khác. Giờ chuyển sang một máy Android mới hơn, thay vì phải nhập lại thủ công username và password thì Evernote sẽ dùng Smart Lock để tự động đăng nhập cho mình, rất tiện lợi.

    Bởi vì username và password của các app được lưu trữ trong tài khoản Google và nó được mã hóa nên bạn không phải lo về việc chuyện bị lộ thông tin (có thể xem các app đã lưu tại địa chỉhttps://passwords.google.com). Nhưng với một số app đặc biệt mà bạn không lưu lại mật khẩu tự động, bạn có thể thêm app đó vào danh sách loại trừ trong mục "Không bao giờ lưu". Nếu không thích thì bạn cũng được quyền tắt hoàn toàn Smart Lock đi hoặc tắt tính năng tự động đăng nhập luôn.

    Smart_Lock_Android_tu_dang_nhap.