Mẹo hay: Gửi dẫn đường bản đồ Google Maps từ máy tính đến smartphone

0

Mẹo hay: Gửi dẫn đường bản đồ Google Maps từ máy tính đến smartphone

Đức Hiếu
Thứ ba, ngày 28-04-2015 - 11:18:51
Google vừa bổ sung một số tính năng mới cho phép tương tác từ xa giữa smartphone chạy Android với máy tính của người dùng ở ngay trên trình duyệt Google.
Google tăng khả năng tương tác thông minh giữa smartphone và máy tính bằng những tính năng mới
Google tăng khả năng tương tác thông minh giữa smartphone và máy tính bằng những tính năng mới
Khả năng kiểm soát smartphone chạy hệ điều hành Android đang ngày một thông minh hơn. Thông qua tài khoản Google của người dùng, các ghi chú, hướng dẫn tìm kiếm bản đồ, lịch nhắc việc hay báo thức có thể được gửi ngay từ máy tính trên Google Search đến thiết bị cầm tay Android. Thao tác trên bàn phím đầy đủ của máy tính sẽ nhanh và thuận tiện hơn trên smartphone và nếu muốn gửi những thông tin đó đến điện thoại thì với những tính năng mới này, hiệu quả sử dụng sẽ tăng lên đáng kể.

Dưới đây là các bước hướng dẫn thực hiện khi muốn gửi ghi chú, tìm kiếm dẫn đường hay báo thức từ trình duyệt Google Search trên máy tính, đến smartphone chạy Android:

1. Cập nhật ứng dụng Google trên thiết bị cầm tay chạy Android lên phiên bản mới nhất từ Google Play: Tại đây

2. Trong Google Now, chọn mục Settings > Now cards và kích hoạt “Show cards”, cùng với “Show notifications”

3. Trong tùy chỉnh Settings của trình duyệt Google trên máy tính, chọn mục Account&privacy > Google Account history và bật kích hoạt Web & App Activity


4. Đăng nhập vào tài khoản Google trên trình duyệt ở máy tính, giống như tài khoản đang sử dụng trên smartphone chạy Android.

5. Bây giờ, các thông tin trên máy tính người dùng đã sẵn sàng cho phép gửi đến thiết bị cầm tay Android.

Trong ô Google Search trên trình duyệt ở máy tính, khi gõ các câu lệnh dưới đây sẽ tương ứng một tính năng được thực hiện:

Find my phone” – Hiển thị vị trí hiện thời của điện thoại nếu thiết bị được kết nối Internet. Tính năng này cũng cho phép gửi lệnh rung chuông kéo dài tới 5 phút với âm lượng hết cỡ đến smartphone, thông qua lệnh “Ring”, và điện thoại chỉ ngừng reo khi thực hiện tắt nó ngay trên thiết bị mà thôi.


Set a reminder” – Nhắc người dùng về một việc nào đó cần làm. Lịch nhắc việc sau khi thiết lập trên máy tính, có thể gửi thẳng đến điện thoại, qua lệnh “Remind me on my devices”


Set an alarm” – Giống như lịch nhắc việc nhưng có thêm thiết lập thời gian cụ thể để báo thức


Send directions to my phone” – Gõ vào địa chỉ muốn tìm trên bản đồ Google Maps và chọn lệnh “Send directions to your phone” thì kết quả sẽ xuất hiện ngay trên smartphone của người dùng


Send a note to my phone” – Gửi ghi chú từ máy tính đến điện thoại di động chỉ bằng lệnh “Send note to your phone”. Thông báo sẽ hiển thị ngay trên smartphone, sau đó nội dung có thể được lưu vào một số ứng dụng liên quan

Hướng dẫn sử dụng Unroll.me để bỏ đăng ký nhận email, chống spam, quảng cáo

0
Thường thì không ai muốn nhận email quảng cáo hay spam nhưng việc đăng ký nhận thư từ các kênh này có thể thể là vô ý, chẳng hạn như khi cài phần mềm, đăng ký tài khoản dịch vụ trên Internet mà quên bỏ chọn các ô kiểu như "Subscribe newsletter …" hay "Get new offer …". Với Unroll.me thì chúng ta có thể quản lý và bỏ đăng ký các kênh này. Cách làm như sau:


step1.
1. Vào trang Unroll.me > nhấn nút "Get Started Now"

step2.
2. Nhập địa chỉ email mà bạn muốn quản lý các kênh đăng ký > stick vào ô đồng ý điều khoản bên dưới và nhấn Continue

step3.
3. Mình dùng Gmail nên sau khi nhấn Continue thì được yêu cầu phải cấp quyền cho Unroll.me truy xuất tài khoản > chọn Accept.

step5.
4. Bạn đợi một lát để Unroll.me tìm các kênh đã đăng ký, lúc này Unroll.me sẽ quét toàn bộ hộp mail.

step6.
5. Tiếp tục nhấn vào nút "Continue to The Next Step" để quản lý các kênh đã đăng ký.

step7.
6. Đây là tổng số các kênh mình đã đăng ký, trong đó có nhiều kênh "từ trên trời rời xuống", quảng cáo spam trá hình mà mình không rõ "bị" đăng ký lúc nào :D. Nhấn nút Unsubscribed bên cạnh để bỏ đăng ký, nếu có cửa sổ yêu cầu "Share hay Like Unroll.me trên Facebook, bạn chỉ việc nhấn nút Like/Share và tắt cửa sổ đi để tiếp tục gỡ bỏ đăng ký > cuối cùng là nhấn Finish.

*Lưu ý: Trong quá trình quét hộp mail (Gmail), nếu hiện thông báo trên thì bạn vào Gmail settings > chọn thẻ Labels > stick vào ô "Show in IMAP" bên cạnh nhãn "All Mail". Sau đó trở lại Unroll.me và nhấn Try again để quét lại.
step4.
gmail.
Stick vào "Show in IMAP" cho nhãn "All Mail".
 

MIT phát triển hệ thống chuyển nước mặn thành nước ngọt bằng năng lượng Mặt Trời với chi phí thấp

0
Tinhte-nuoc-sach.
Ảnh minh họa - BT

Nhóm các nhà nghiên cứu tại viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã hợp tác cùng với công ty kỹ thuật nông nghiệp Jain Irrigation Systems phát triển thành công hệ thống dùng năng lượng Mặt Trời để biến nước mặn thành nước ngọt. Đây là hệ thống chuyển đổi nước đơn giản, giá thành rẻ, hiệu suất cao, thân thiện với môi trường, hứa hẹn sẽ được phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, đặt biệt là tại các nước đang phát triển với nhu cầu về nước sạch đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Tất cả các loài động thực vật trên Trái Đất bao gồm cả con người đều cần phải có nước. Tuy nhiên, để có được đủ lượng nước với chất lượng tốt nhằm phục vụ mục đích sinh tồn không phải là điều đơn giản. Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu đã đề xuất rất nhiều biện pháp khác nhau nhằm tìm cách tạo ra nước sạch cho con người và với trữ lượng gần như vô tận - nước biển là ứng cử viên sáng giá nhất.

Trên tinh thần đó, Cơ quan Hoa Kỳ về phát triển quốc tế (USAID) đã khởi xướng cuộc thi Desal Prize nhằm tìm kiếm giải pháp khử nước biển thành nước ngọt dành cho các nước đang phát triển. Tiêu chí của hệ thống loại bỏ muối khỏi nước biển phải hội tụ đủ 3 yếu tố: chi phí thấp, bền vững với môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đến từ MIT và Jain Irrigation Systems đã giành chiến thắng.


Video mô tả nguyên lý tách muối ra khỏi nước biển bằng kỹ thuật điện thẩm tách

Giải pháp của MIT là hệ thống sử dụng các tấm năng lượng Mặt Trời để tạo ra điện và lưu trữ vào pin. Sau đó, pin sẽ vận hành hệ thống điện thẩm tách (electrodialysis) để loại bỏ muối ra khỏi dung dịch nước biển. Nói một cách đơn giản nhất, kỹ thuật này sẽ dùng dòng điện 1 chiều để "rút" các ion muối mang điện tích ra khỏi dung dịch. Tiếp theo đó, nước sẽ tiếp tục đi qua ánh sáng UV để khử trùng nhằm tạo thành sản phẩm cuối cùng là nước ngọt, chẳng những có thể dùng để tưới tiêu cho cây trồng mà còn có thể uống được.

Mặc dù ý tưởng sử dụng năng lượng Mặt Trời để vận hành nhà máy khử nước biển không phài là quá mới mẻ, nhưng các hệ thống trước đây đều có giá thành khá cao (mặc dù đang có xu hướng giảm) nên khó có thể áp dụng trên quy mô lớn, đặc biệt là đối với những vùng có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, hệ thống này còn đảm bảo có độ bền cao, không cần phải bảo trì quá thường xuyên nên hứa hẹn sẽ có thể áp dụng tại những vùng nông thôn hẻo lánh hoặc các nước đang phát triển.

Được biết trong cuộc thi, hệ thống của MIT đã chạy thử trong liên tục 24 giờ và khử được gần 8000 lít nước biển mỗi ngày. Cuối cùng, MIT đã thực hiện thành công bài test trên và mang về giải thưởng trị giá 140.000 đô la Mỹ. Trong thời gian tới, hệ thống sẽ tiếp tục được đưa vào sử dụng thí điểm bởi những người nông dân sống trong khu vực USAID đang hoạt động. Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì theo dự kiến, hệ thống sẽ cung cấp đủ nước tưới cho một trang trại cỡ nhỏ với nguồn nguyên liệu đầu vào hoàn toàn từ nước biển và Mặt Trời.

Tham khảo PopsciUsaid

UAV (drone) là gì, người ta điều khiển nó ra sao và có thể dùng cho những mục đích nào?

0
Tinhte_Drone_UAV_la_gi_HEADER.

Trong thời gian gần đây chúng ta được nghe nói khá nhiều về cụm từ "drone" hay "UAV". Đây là một loại máy bay không người lái được sử dụng cho nhiều mục đích, từ bay giám sát và tiêu diệt mục tiêu quân sự cho đến chụp ảnh, quay phim hay thậm chí là giao... bánh pizza. Và tất nhiên, UAV không phải là đồ chơi, thế nên để nó bay lên trời thì cũng có nhiều quy định phải tuân theo. Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu đến các bạn khái niệm về UAV, cách mà các cơ quan hàng không quản lý UAV cũng như lợi ích và cả rủi ro của loại máy bay này.

UAV là gì?

Theo Cục quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA), drone hay còn gọi là unmanned aerial vehicle (UAV) là máy bay không người lái. "Nó có thể có nhiều hình dạng, kích thước và phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Chúng có thể có sải cánh rộng như một máy bay phản lực hay chỉ nhỏ như một chiếc máy bay mô hình điều khiển bằng sóng radio".

Group_photo_of_aerial_demonstrators_at_the_2005_Naval_Unmanned_Aerial_Vehicle_Air_Demo.
UAV có thể có nhiều loại và kích thước khác nhau

Nhiều người cho rằng một mẫu máy bay điều khiển bằng sóng radio do Hải quân Hoàng gia Anh phát triển vào năm 1930 chính là hình hài đầu tiên của những chiếc drone hiện đại ngày nay. Đến những năm 60, UAV được gắn thêm camera và phục vụ trong chiến tranh Việt Nam. Đến thời hiện đại thì drone còn được gắn thêm nhiều hệ thống vũ khí phức tạp khác. Ngoài sử dụng cho mục đích quân sự, UAV còn được dùng cho mục đích dân sự như giao hàng, quay phim, chụp không ảnh...

Vậy nếu một chiếc máy bay có phi công bên trong nhưng nó được cài đặt chế độ bay tự động và được dẫn đường bởi GPS thì có gọi là UAV hay không? Tất nhiên là không, vì khi đó vẫn có sự hiện diện của con người trong khoang lái, và họ chỉ đơn giản là không điều khiển máy bay trong một thời gian ngắn mà thôi. Trong khi đó, drone phải có khả năng hoạt động gần như đầy đủ mà không bao giờ cần có người xuất hiện trong buồng lái.

predator-b-drone-mq-9-reaper.
UAV Predator nổi tiếng của Mỹ khi được trang bị vũ khí hạng nặng

Và để làm được điều đó, người ta đã phải phát triển nên các hệ thống điều khiển từ xa vô cùng phức tạp. Ở mức cao hơn, nếu muốn một chiếc máy bay hoàn toàn có khả năng tự bay mà không cần sự can thiệp của con người thì lại càng khó hơn. Cũng chính vì lý do này mà Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) chia drone thành 2 loại chính:
  • Máy bay tự hành (hiện ít xuất hiện trong thực tế vì các lý do an toàn)
  • Máy bay điều khiển từ xa (xuất hiện phổ biến hơn)
Thế nếu tui chơi máy bay mô hình thì có gọi là UAV hay không? Tui đứng từ xa điều khiển, tui không ngồi trong buồn lái của máy bay, thế thì phải là drone chứ nhỉ? Câu trả lời là có và không. Theo định nghĩa của FAA thì máy bay mô hình cũng là UAV, nhưng có một quy định bắt buộc đó là máy bay mô hình chỉ được phép bay trong tầm nhìn của người điều khiển. Trong khi đó, những chiếc UAV đúng nghĩa có thể bay được rất xa, vượt cả chục, cả trăm kilomet hay thậm chí là hơn thế nữa.

Những chiếc UAV được điều khiển ra sao?

Với những chiếc UAV tầm gần, việc điều khiển có thể thực hiện thông qua sóng radio, tương tự như máy bay mô hình mà bạn hay thấy. Trong những trường hợp này thì trạm điều khiển, hoặc bộ điều khiển và UAV sẽ nói chuyện trực tiếp. 

Nhưng với những chiếc UAV tầm xa thì khác, do điều kiện thời tiết, vật cản và cả độ cong của bề mặt trái đất mà tín hiệu radio không thể đi trực tiếp từ trạm đến máy bay được. Chính vì thế người ta phải thông qua một vệ tinh trung gian nhằm đảm bảo tín hiệu vẫn đủ mạnh, khi đó UAV mới có thể bay xa hàng trăm, hàng nghìn kilomet mà vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cũng nhờ cách này các phi công quân sự có thể ngồi tại Mỹ và điều khiển một chiếc UAV Predator tận bên Afganistan hay Iraq.

drones-how.

Ai điều khiển UAV?

Trong lực lượng không quân Mỹ có một nhóm phi công được đào tạo rất bài bản chỉ để điều khiển drone. Nhờ có công nghệ hiện đại mà họ có thể ngồi ở căn cứ để lái máy bay, nhưng điều đó không có nghĩa là họ thiếu kĩ năng bay.

Sean McEntee, người đã có thâm niên chơi máy bay mô hình và hiện đang phục vụ cho không lực Mỹ về mảng lái drone, cho biết anh đã từng thực hiện nhiều nhiệm vụ giám sát ở Iraq và Afghanistan. Anh giải thích rằng việc điều khiển drone phức tạp hơn rất nhiều và "không chỉ ngồi trong một cái hộp rồi coi máy bay bay vòng vòng". Hầu hết các UAV, anh nói, được điều khiển bằng một hệ thống gần giống như trong buồng lái của một chiếc máy bay thương mại, tức là cũng có cần điều khiển, cũng có các cần gạt và nhiều nút khác nhau.

drone-control-station.

Cũng chính vì lý do này mà nhiều phi công lái máy bay không người lái thường không nhắc đến từ "drone" bởi nó không diễn tả hết được kĩ năng cần thiết để điều khiển phương tiện bay trong điều kiện thực tế. Thay vào đó, họ chuộng sử dụng từ UAV hay RPA (remotely piloted aircraft) hơn.

Và bạn, đúng, người đang đọc bài viết này, cũng có thể lái UAV, tất nhiên là những chiếc máy bay khi đó phải ít phức tạp hơn và dễ điều khiển hơn, ví dụ như những chiếc drone Phantom đang thị hành trong thời gian gần đây chẳng hạn. Những chiếc máy bay kiểu đó không cần cả một hệ thống máy tính phức tạp, thay vào đó bạn có thể sử dụng một bộ điều khiển radio, hay thậm chí là cả smartphone và tablet, để lái máy bay.

Máy bay không người lái góc nhìn người thứ nhất là gì?

Một chiếc máy bay "góc nhìn người thứ nhất" (FPV) được trang bị một chiếc camera và truyền video theo thời gian thực về cho phi công dưới mặt đất. Phi vọng sẽ nhìn vào hình ảnh đang hiển thị trên màn hình giống như những gì mà anh/cô ấy có thể thấy nếu đang ngồi trong buồng lái. Dựa vào đó, họ sẽ điều khiển máy bay bay theo hướng mong muốn.

Như vậy, máy bay FPV thực chất là một nhóm nhỏ thuộc UAV chứ không phải là một loại máy bay khác hoàn toàn. Nó đối lập với những chiếc UAV chỉ bay bằng tín hiệu dẫn đường GPS hay tự bay bằng cách phân tích hình ảnh trực tiếp trên phương tiện.

hqdefault.
Một video mô phỏng hình ảnh được truyền trực tiếp từ camera của UAV về mặt đất

Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các máy bay FPV đều được vận hành bởi quân đội các nước. Còn với mục đích phi quân sự, FAA yêu cầu người sử dụng phải đăng kí và được chấp thuận thì mới có quyền vận hành UAV. Tất nhiên, nếu chơi máy bay mô hình hay những chiếc drone nhỏ để quay phim, chụp không ảnh thì không cần xin phép, nhưng quy định bắt buộc đó là máy bay phải bay trong tầm nhìn của người điều khiển, và chúng cũng phải giữ khoảng cách an toàn với khu vực có người ở, bao gồm luôn cả sân vận động hay các triển lãm hàng không. Khi cần ghi hình ở các sự kiện đông người, FAA sẽ cấp phép tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Thêm một đoạn video về chiếc Predator của Mỹ, mời các bạn xem

Vậy những chiếc "drone" đang được bán rộng rãi trên thị trường hiện nay có phải là UAV?
Chúng ta cũng có thể xem chúng như là những chiếc UAV, mặc dù việc điều khiển chúng cũng buộc phải tuân theo những quy định của máy bay mô hình. Và các bạn lưu ý, ICAO xem drone như là một loại MÁY BAY, KHÔNG PHẢI ĐỒ CHƠI.

Nếu chiếc drone của bạn nhẹ hơn 20kg và bạn không dùng nó cho mục đích thương mại, bạn không được lái nó "trong vòng 150m tính từ khu vực đông người, hoặc trong vòng 50m nếu chỉ có một người, phương tiện hoặc công trình". Vượt qua mốc 20kg, bạn sẽ phải xin phép (ở Mỹ, ở Việt Nam thì mình không tìm được tài liệu nào nói về điều đó) mới được lái drone, và bạn cũng sẽ phải chứng minh cho FAA rằng bạn "có đủ năng lực" để điều khiển nó. Những chiếc drone kiểu này cũng chỉ được bay xa tối đa 500m và bay cao tối đa 122m mà thôi, nếu muốn vượt những cột mốc này thì bạn lại phải xin phép.

Drone-phantom2-gopro3-black-editon-1038x576.
UAV của Phantom, một dòng máy bay không người lái đang thịnh hành trong thời gian gần đây

Bạn cũng không được phép chụp ảnh, quay phim hay theo dõi trái phép người khác bằng drone. Nói cách khác, bạn không được lạm dụng drone để xâm phạm các bộ luật về quyền riêng tư đã ban hành. Cũng giống như việc bạn không được phép leo lên cái cây trong sân nhà mình để chụp hình hai vợ chồng nhà hàng xóm vậy.

Hiện tại, ở Mỹ có khoảng 300 công ty và tổ chức công cộng có quyền lái drone. Phần nhiều trong số đó là các hãng phim, các công ty nhiếp ảnh và những nhà đài như BBC hay ITV. Mới đây Amazon cũng được FAA cho phép bay thử drone với mục đích "nghiên cứu và phát triển dịch vụ Prime Air".

Paul Cremin, trưởng bộ phận an toàn hàng không của Cục giao thông vận tải Mỹ, chia sẻ: "Người ta ngày càng có điều kiện hơn, cũng giống như việc Internet dần trở nên phổ biến và người ta đang tìm nhiều cách khách nhau để sử dụng công nghệ này... Chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện về việc Amazon giao hàng đến cửa nhà bạn bằng drone và tôi chắc chắn rằng sẽ còn nhiều ứng dụng khác tương tự như thế ra đời".

Giá một chiếc drone giờ cỡ bao nhiêu?

Những chiếc drone cỡ nhỏ bay trong nhà, trong vườn có giá chỉ từ vài trăm đến vài triệu đồng, nhưng nếu bạn muốn có những thứ phức tạp hơn, gắn thiết bị hình ảnh hiện đại hơn thì vài chục hay vài trăm nghìn đô cũng có hết. Và tất nhiên là bạn không thể mua một chiếc Predator hay Global Hawk của quân đội Mỹ rồi, trừ khi bạn hack và chiếm lấy nó như trong những bộ phim hành động.

Ứng dụng của UAV hiện nay?

Khá nhiều, có thể kể ra một vài thứ như sau:

Quân sự:
  • Bay giám sát, hỗ trợ lực lượng mặt đất (Mỹ và nhiều quốc gia khá đang sử dụng)
  • Theo dõi mục tiêu trên không, truyền hình ảnh video trực tiếp về căn cứ
  • Tiêu diệt mục tiêu (với các chiếc UAV được gắn vũ khí)
  • Huấn luyện bay
  • Rà soát, phát hiện, hỗ trợ tháo gỡ bom mìn (Lào đang áp dụng)
Phi quân sự:
  • Giao hàng tận nơi (như Amazon hay Pizza Inn chẳng hạn)
  • Dự báo thời tiết, thu thập thông tin khí tượng (NASA và cơ quan thời tiết Hoa Kỳ đã sử dụng)
  • Quay phim, chụp ảnh từ trên không
  • Xây dựng bản đồ, nhất là bản đồ 3D (dùng các hệ thống quét laser như LIDAR)
  • Bảo vệ động vật hoang dã (một vài khu bảo tồn tại Mỹ và Sumatra, Indonesia đã bắt đầu áp dụng)
  • Dùng trong nông nghiệp (rải phân bón, thuốc trừ sâu...)
  • Tìm kiếm, cứu nạn (một người bị tai nạn xe hơi tại Canada đã được phát hiện và cứu sống nhờ drone vào năm 2013, có thể gắn thêm cảm biến nhiệt để phát hiện người dễ hơn)
Package_copter_microdrones_dhl.
DHL thử nghiệm dùng drone để giao thuốc khẩn cấp hồi năm 2013

Rủi ro của drone?

Máy bay không người lái có thể trở nên cực kì nguy hiểm khi rơi vào không đúng người, theo thời Eric Schmidt, chủ tịch Google. Ví dụ như trong một số bộ phim, khủng bố có thể chiếm drone để tấn công người vô tội. Những người lái drone thiếu kinh nghiệm cũng có thể vi phạm an toàn bay và khiến drone va chạm với người, phương tiện hay công trình và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Cách đây không lâu một chiếc máy bay thương mại cũng suýt đụng trúng drone tại sân bay Heathrow khiến các nhà điều tra phải vào cuộc.

Hay như người hàng xóm của bạn lái drone để lén chụp hình bạn thì bạn có cảm thấy thoải mái không? Hẳn là không rồi. Nghiêm trọng hơn, drone có thể được xài bởi các doanh nghiệp để họ lén theo dõi đối thủ của mình và đưa ra những biện pháp cạnh tranh không lành mạnh. Mới đây một chiếc drone cũng bay vào vùng trời bên trên Nhà Trắng khiến các mật vụ phải bắn hạ nó.

Rồi nếu như đang điều khiển mà kết nối giữa drone và người lái bị mất thì như thế nào? Liệu drone có đủ thông minh để tự bay trở lại vị trí ban đầu hay nó cứ bay mãi đến khi hết nhiên liệu thì rớt lên đầu người khác? Kết nối này có an toàn và nó có đụng gì đến các loại sóng không dây khác hay không? Nếu có thì mức độ nghiêm trọng ra sao? Việc drone bị lỗi và tự rớt của drone sẽ được xử lý ra sao (trong bối cảnh có khá nhiều UAV quân sự bị rớt mỗi năm trên thế giới vì lý do kĩ thuật)? 

Vẫn còn rất nhiều những tranh cãi về UAV. Hiện tại những dự luật về drone vẫn đang được nhiều nước trên thế giới tiến hành nghiên cứu để cân bằng giữa những lợi ích mà UAV có thể mang lại song vẫn đảm bảo an ninh quốc gia cũng như an toàn cho người dân của họ. FAA, ICAO hay CAA cũng là những đơn vị tích cực tham gia vào quá trình ban hành luật về UAV.

Thủ bản bỏ túi về: ISO - Tốc độ - Khẩu độ

0
Thủ bản bỏ túi này giúp người bắt đầu chơi chụp ảnh. Sau khi tìm hiểu cái máy ảnh, cấu trúc hoạt động, thao tác các nút bấm... thì việc hiểu và phối hợp ISO - Tốc độ - Khẩu độ là vấn đề đeo đuổi các bạn rất lâu trong thời gian học chụp ảnh. Thủ bản không đi sâu chi tiết để nó được gọn gàng, nên minh có giải thích thêm ở trong bài viết. Các bạn có thể download file lớn của thủ bản, in ra giấy, bỏ túi để ghi nhớ khi cần.
Dowload - In ra giấy - bỏ tủi: Link này
thubanbotui_5_camera_tinhte.
Nguồn: blog.hamburger-fotospots

* Ghi nhớ ngắn gọn:
  • ISO là độ nhạy sáng - nó ảnh hưởng đến độ nhiễu hạt (noise)
  • Khẩu độ là độ mở lớn/nhỏ cho ánh sáng đi qua - nó ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (dof).
  • Tốc độ màn trập (shutter) là thời lượng màn trập mở để ánh sáng tiếp xúc với bề mặt cảm biến ảnh - nó ảnh hưởng đến độ sắc nét/mờ nhoè với đối tượng chuyển động.
* Giải thích dài dòng:
Khẩu độ ống kính
Khẩu độ là một lỗ hổng trong ống kính được tạo ra bởi các lá thép chồng chéo lên nhau. Các lá thép dịch chuyển tạo thành độ mở cho khẩu độ lớn hoặc nhỏ. Khẩu độ lớn thì ánh sáng đi qua nhiều, và ngược lại khép nhỏ khẩu độ thì ánh sáng đi qua ít. Khẩu độ thông thường trên ống kính có các nấc sau: 1.0 - 1.4 - 2 - 2.8 - 4 - 5.6 - 8 - 11 - 16 - 22 - 32. Số càng nhỏ thì độ mở của khẩu độ càng lớn. Mỗi nấc thường được gọi là 1 khẩu. Xoay vòng từ 5.6 -> 8 gọi là khép 1 khẩu và lượng sáng giảm 1/2, xoay từ 5.6 -> 4 gọi là mở 1 khẩu và lượng sáng tăng gấp đôi.

Khoảng cách mà chủ đề hoặc sự vật hiện rõ nét trong khung ảnh được gọi là vùng ảnh rõ, độ sâu trường ảnh hoặc gọi là chiều sâu ảnh trường (depth of field - dof). Chính khẩu độ ảnh hưởng đến chiều sâu ảnh trường này. Khẩu độ khép càng nhỏ thì vùng ảnh rõ càng sâu; khẩu độ mở càng lớn thì vùng ảnh rõ càng cạn.

Tốc độ màn trập
Tốc độ của màn trập xác định khoảng thời gian ánh sáng sẽ tác động vào bộ cảm biến và được điều chỉnh bằng một vòng chỉnh tốc độ trên thân máy (shutter dial). Các chỉ số chỉ tốc độ màn trập là con số tỷ lệ so với 1 giây, như 500 nghĩa là 1/500 giây. Các chỉ số thông thường chỉ tốc độ màn trập: 30s - 15s - 8s - 4s - 2s - 1s - 2 - 4 - 8 - 15 - 30 - 6- - 125 - 250 - 500 - 1000 - 2000 - 4000 - 8000 ...
Mỗi nấc tốc độ tương ứng thời gian màn trập mở nhanh gấp đôi nấc đứng trước nó và bằng 1/2 nấc đứng sau nó. 1/125 nhanh gấp đôi tốc độ 1/60 và 1/250 nhanh gấp đôi 1/125 chẳng hạn.

Phối hợp tốc độ và khẩu độ
Tốc độ và khẩu độ sẽ được phối hợp với nhau để điều chỉnh lượng sáng tác dụng vào bộ cảm biến. Để dễ hình dung, ta ví dụ cái ly hứng nước ở cái vòi. Vòi mở lớn, ly nhanh đầy. Vặn vòi nhỏ cho rỉ từng giọt, cái ly đầy nước sau một khoảng thời gian dài. Tốc độ và khẩu độ làm việc với nhau gần như vậy.

Với lượng sáng lớn (khẩu lớn) thì cảm biến chỉ cần khoảng thời gian lộ sáng ngắn (tốc độ nhanh) là nhận đủ lượng sáng cần thiết (đủ sáng). Với cùng một cường độ sáng, cặp thông số 1/500 - f/4, 1/125 - f/5.6, 1/60 - f/8 hay 1/30 - f/11 ... có cùng lượng sáng vào bộ cảm biến như nhau.

Như vậy, với cùng một cường độ sáng, ta có thể dùng nhiều cặp tốc độ khẩu độ khác nhau để cho cùng một lượng sáng như nhau đi vào cảm biến ảnh. Nói cách khác, với một giá trị lộ sáng (exposure value - EV), ta có nhiều tuỳ chọn thời chụp (tốc độ phối hợp với khẩu độ) khác nhau tuỳ ý đồ riêng. Chẳng hạn muốn lấy vùng ảnh rõ (dof) thật sâu thì dùng tốc độ chậm - khẩu độ nhỏ, muốn bắt dính chuyển động thì dùng tốc độ nhanh - khẩu độ lớn.

Chaebol: sự trỗi dậy của các tổ hợp công nghiệp khổng lồ Hàn Quốc

0
Tinhte_chaebol_Han_Quoc_Samsung_LG.

"Tám chuyện" dưới góc nhìn khoa học

0
gossiping. ​

Buôn chuyện (tám chuyện, nói chuyện phiếm, ngồi lê đôi mách,...) là một hành vi phổ biến, xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của nhiều người, từ trong gia đình, tại nơi làm việc hay khi ở cùng bạn bè, hàng xóm. Đa phần, điểm chung của những chủ đề được mang ra "tám" là những chuyện của người khác. Trong 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu nhằm tìm hiểu về nguồn gốc của hành vi buôn chuyện ở con người. Tại sao con người buôn chuyện? Hành động này có ảnh hưởng như thế nào và làm cách nào để hạn chế?

"Tám chuyện" dưới góc nhìn khoa học

Có hàng tỷ chủ đề để người ta có thể "tám" với nhau, từ việc "Ông A vừa mua nhà mới, anh B đang hẹn hò với chị C, con ông D đang muốn đi du học nước T, nữ ca sĩ E ly hôn với chồng, quan chức nước F đang bị nghi vấn nhận hối lộ,..." Tất cả các chủ đề để có thể mang ra buôn chuyện, có thể là điều tốt hoặc chuyện xấu, nhưng chúng đều có 1 đặc điểm chung là đa phần đều nói về chuyện của người khác. Thậm chí, dù đó là người họ rất ghét nhưng vẫn luôn chú ý nghe và bàn luận những vấn đề có liên quan tới người đó.

gossip_in_office. ​

Nhà tâm lý học Laurent Bègue đã chỉ ra rằng trên mặt lý thuyết, buôn chuyện là một hành vi phổ biến của con người. Khoảng 60% nội dung các cuộc đàm thoại của người trưởng thành là về một người không có mặt tại đó. Mục tiêu chủ yếu là để phán xét người đó. Một số người dù biết nói xấu người khác là không tốt và không ai muốn làm điều đó. Vậy tại sao họ lại luôn có xu hướng tham gia vào các cuộc buôn chuyện để "thưởng thức niềm vui đầy tội lỗi" này.

Các nhà tâm lý học cũng kết luận rằng những người thường hay ngồi lê đôi mách thường có mức độ lo lắng rất cao. Thậm chí, một số người rõ ràng biết các thông tin không chính xác nhưng vẫn bị chúng ảnh hưởng và dao động. Đồng thời, việc truyền bá các thông tin sai lệch sẽ khiến người bị đem ra "mổ xẻ" buồn lòng và người buôn chuyện cũng bị đánh giá thấp. Dù một số người rất ghét những người hay buôn chuyện, nhưng khi họ đang có một câu chuyện mới sắp kể thì không thể nào cưỡng lại được việc lắng nghe tin tức bí mật đó.

Nhà phê bình Nicholas Lezard từng nói rằng: "Sự ham muốn buôn chuyện ở con người dường như là vô tận. Đôi khi, chúng ta luôn xem nhẹ câu nói "đừng kể với ai khác nha. Đây là vấn đề cá nhân và tôi không muốn cho ai biết hết." Nhưng rõ ràng, việc giữ kín bí mật là điều khá khó khăn đối với một số người. " Nói xấu về một người khác cũng có nghĩa là bạn đang có sự lo ngại về điều đó, và cuộc buôn chuyện sẽ cho người nghe cảm thấy rằng câu chuyện trên hoàn toàn là sự thật. Từ đó, người nghe có xu hướng sẵn sàng chia sẻ bí mật đó cho một người khác.

Vậy tại sao người ta tám chuyện?

140228155048-whispering-gossip-story-top. ​

Qua nhiều nghiên cứu về xã hội học, tâm lý học hành vi, tâm thần học,... các nhà khoa học đã hình thành nên các nguyên nhân cơ bản khiến con người ta luôn muốn tám chuyện và đặc biệt là "khá nhạy cảm" với các tin đồn. Cac nguyên nhân chủ yếu là:
  • Để cảm thấy giá trị được tăng cao: Một số người luôn cảm thấy lo lắng và không hài lòng về bản thân họ. Khi đó họ sẽ cám thấy tốt hơn khi họ đánh giá người khác dưới góc nhìn tiêu cực.
  • Để xua đi sự buồn chán: Khi con người không thể nào tạo ra các cuộc nói chuyện thú vị dựa trên những kiến thức hoặc ý tưởng, những tin đồn sẽ là chủ đề được đưa ra nhằm gây sự chú ý cho mọi người.
  • Tránh cảm giác ghen tỵ: Khi một số người ghen tỵ về sự nổi bật, tài năng, phong cách sống,.. của ai đó, họ có xu hướng mang những tin đồn xoay quanh người đó ra buôn chuyện để cố gắng hạ bệ người đó.
  • Để hòa nhập vào những người xung quanh: Những người tham gia tám chuyện sẽ cảm thấy họ là một phần của nhóm.
  • Gây sự chú ý: Một người được cho là trung tâm của sự chú ý khi họ đang tiết lộ một câu chuyện bí mật về người khác. Dù vậy, việc tuyên truyền các tin đồn cũng giống như mua sự chú ý trong nhất thời, nó không bền vững và tồn tại lâu dài.
  • Giảm sự tức giận hoặc bất hạnh: Một người có thể cảm thấy là mình đang trừng phạt hoặc chiến thắng người khác khi họ nói xấu người đó.
Các tác động của tám chuyện: Tốt hay xấu?

Dưới góc độ khoa học, buôn chuyện có khả năng tăng cường mối quan hệ xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là nếu 2 người có cùng ý kiến không thích một hiện tượng, con người nào đó thì mỗi quan hệ sẽ càng được thắt chặt hơn so với việc chia sẻ các ý kiến tích cực. Nghiên cứu đã chứng minh rằng 2 người hoàn toàn không quen biết gặp gỡ nhau lần đầu tiên, họ sẽ cảm thấy gần gũi nhau hơn nếu cùng chia sẻ về một người thứ 3 thay vì nói nói về cuộc sống của nhau. Đây chính là cách con người thể hiện suy nghĩ và sự hài hước của họ.

Friendly-People-1. ​

Việc "tám" về các tin đồn còn có chức năng tích cực trong việc thiết lập tiêu chuẩn giá trị cho một nhóm người. Tiêu chuẩn được đặt ra ở đây chính là dùng sự xấu hổ để thuyết phục ai đó gia nhập vào nhóm. Nhà nhân loại học Robin Dunbar đã chỉ ra rằng buôn chuyện là một yếu tố tiến hóa quan trọng trong sự phát triển của não bộ, nhu cầu tám chuyện đã thúc đẩy sự phát triển của ngôn ngữ. Tám chuyện cho phép con người nói về những người không có mặt tại đó. Đồng thời, nó cho phép người nói áp đặt những quan điểm của họ về người khác lên người nghe.

Về căn bản, hầu hết con người đều có nhu cầu tự nhiên là tò mò về những chuyện đang xảy ra với những người trong cộng đồng. Đó cũng là lý do các cuốn sách về tiểu sử của người khác được bán ra khá chạy. Tuy nhiên, khác với nội dung tám chuyện, những quyển sách tiểu sử đúng nghĩa thường cung cấp cho người đọc sự phức tạp và đầy màu sắc trong cuộc sống của nhân vật chính thông qua các sự kiện khách quan. Trong khi đó, việc tám chuyện là nơi những quan điểm cá nhân, 1 phía và có phần võ đoán về người khác.

Tuy nhiên, quan trọng là người nói chuyện nên xem xét mục đích cuối cùng khi muốn đề cập tới người khác trong cuộc nói chuyện. Nếu nhằm hiểu thêm về bản chất của người khác dựa trên các sự kiện có thật và để cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như các mối quan hệ thì đó có thể là một cuộc buôn chuyện thích hợp. Tuy nhiên, nếu việc đề cập tới người khác trong cuộc nói chuyện chỉ nhằm mục đích cảm thấy chiến thắng trong thời điểm nói hoặc làm giảm giá trị người khác thì bạn chỉ vô tình càng làm giảm giá trị của bản thân mà thôi.

Làm thế nào để tránh tham gia nói xấu người khác?

monastary_silence_rect. ​

Chúng ta sẽ xét tới trường hợp ai đó đang nói cố gắng nói xấu về cô A và bạn không muốn nghe hoặc tham gia vào câu chuyện đó. Do đó, không nên tỏ ra tò mò, tán thành hoặc đặt thêm các câu hỏi. Cách tốt nhất là nên thay đổi chủ đề một cách khéo léo. Dưới đây là một số phản ứng thích hợp được đề xuất bởi tiến sĩ tâm lý học Alison Poulsen.

Tương lai của thực tế ảo? Ngay trong chiếc smartphone của bạn đấy!

0
HEADER_Google_Card_Board.
Trước đây khi nói đến thực tế ảo (Virtual Reality - VR), chúng ta thường nghĩ tới những hệ thống phức tạp với đủ thứ dây nhợ nối vào máy tính. Nhưng thời buổi này đã khác, bạn chỉ cần một chiếc kính được thiết kế đặc biệt và một chiếc smartphone là đủ. Trong bài viết bên dưới các bạn sẽ được biết thêm về cách mà các hãng di động đang tận dụng smartphone của họ để khai thác thị trường thực tế ảo, những xu hướng của thế giới VR và tương lai thực tế ảo sẽ phát triển ra sao.

Smartphone và thực tế ảo


Ở sự kiện Google I/O vào tháng 6/2014, khi mỗi lập trình viên bước ra khỏi sảnh của khu vực hội thảo, Google phát cho mỗi người một cái bìa carton nhỏ. Nhiều người bỏ cả vài phút thắc mắc không biết vật này là gì, rồi thêm vài chục phút phàn nàn về cái vật vô dùng đó, để rồi phát hiện ra nó là một thứ có thể gấp thành một bộ dock để nhét điện thoại vào. Thế là những người đó bắt đầu gấp gấp và bỏ điện thoại vào trong cái khe có sẵn. Khi họ đeo vào, bỗng nhiên họ được bay xuyên qua những hình ảnh Google Street View và các đoạn video trong không gian thực tế ảo. Trong số những thứ Google trình diễn ngày hôm đó - smartwatch, xe thông minh, Android - thì miếng bìa carton đó lại là thứ để lại ấn tượng nhiều nhất.

Google_Car_Board_dong. ​

Một cách bất ngờ, chiếc điện thoại của bạn chính là một thiết bị thực tế ảo quan trọng nhất và tuyệt hơn là nó đã nằm sẵn trong túi của rất nhiều người dùng trên thế giới. Nhiều sản phẩm tương tự cũng đã xuất hiện, từ các hãng tên tuổi như Samsung, LG, Carl Zeiss cho đến những hãng phụ kiện bên thứ ba có tham vọng nhảy vào thị trường thực tế ảo.

Ngay cả Oculus cũng bắt đầu ngó đến thị trường smartphone khi hợp tác cùng Samsung phát triển kính đeo có chỗ nhét điện thoại, thậm chí hãng còn làm cho kho ứng dụng của mình có khả năng tương thích chéo giữa Oculus Rift với Gear VR nữa. Nick DiCarlo, người dẫn đầu bộ phận thực tế ảo của Samsung, chia sẻ: "Chúng tôi cho anh ấy xem ý tưởng về di động, và anh ấy bày tỏ: 'Whoa. Giờ thì tôi có tầm nhìn có lớn hơn cho chuyện nà'". Người mà DiCarlo đang nhắc đến đó là John Carmack, một lập trình viên nổi tiếng và cũng là một trong những thành viên đầu tiên của gia đình Oculus. Tại triển lãm về game GDC đang diễn ra, Carmack đã thông báo đến công chúng rằng "chiến lược chính thức đó là Oculus sẽ bắt đầu tiến vào tay người tiêu dùng trong đợt ra mắt kế tiếp của Samsung".

[​IMG]

Việc nhiều hãng bắt đầu tập trung vào "thực tế ảo trên smartphone" cũng không quá bất ngờ trong bối cảnh bạn có thể nhanh chóng đi vào một thế giới hoàn toàn khác chỉ bằng chiếc điện thoại của mình. Những chiếc smartphone hiện đại ngày nay có màn hình đẹp, độ phân giải cao, màu sắc tốt. Chúng cũng có chip xử lý mạnh mẽ để có khả năng trình diễn hình ảnh thực tế ảo, và cũng có thể chơi cả một vài game VR đơn giản nữa. Chưa hết, smartphone lại còn được tích hợp gia tốc kế và la bàn số đủ tốt để theo dõi chuyển động của đầu người dùng một cách chính xác, và đây từng là một trong những thử thách lớn nhất với các hãng thực tế ảo.

Một vài con số khác để bạn so sánh: Oculus mất hai năm trời để biến sản phẩm của họ từ những bo mạch được đính với nhau bằng băng dính trở thành một thiết bị hoàn chỉnh. Trong khi đó, Google đã cung cấp hơn 50.000 tấm bìa "Cardboard" với thời gian chỉ bằng phân nửa.

Quan trọng hơn, chiếc điện thoại sắp tới của bạn lại càng trở nên mạnh hơn nữa, mạnh hơn rất nhiều. Và nhiều khả năng nó sẽ có màn hình 2K, 4K hoặc hơn thế nữa. Thiết bị di động giờ đây trở thành một xu hướng "điên rồ" mà theo lời DiCarlo là chỉ có điên mới không đi theo xu hướng đó. Ông còn nói thêm rằng thời điểm mà smartphone trở thành một thiết bị chơi game tốt hơn Xbox 360 không còn xa, và "tuyệt hơn nữa đó là người dùng đang làm quen với tốc độ rất nhanh".

Việc kế tiếp: khiến nhiều người dùng thử xem thực tế ảo ra sao

Vậy các nhà sản xuất có thể làm gì tiếp theo? DiCarlo đến từ Samsung cũng tự đặt ra câu hỏi đó như nhiều hãng khác, và thứ đầu tiên họ muốn làm đó là làm sao đó để mọi người bắt đầu xài thử các thiết bị thực tế ảo.

Quyết định của Samsung khi theo đuổi Gear VR cũng được sinh ra từ tham vọng muốn làm được một cái gì đó. Thực tế ảo vẫn còn quá mới nên công ty muốn tiếp cận người dùng theo một hướng thân thiện. "Ý tôi là nếu bạn là một người có khả năng nhìn xa về thực tế ảo, bạn sẽ mua sản phẩm của chúng tôi, và bạn không cần phải đi từng bước. Nhưng hầu hết mọi người lại không được như thế, chính vì thế ý tưởng mang thực tế ảo đến mọi người thông qua chiếc smartphone họ đã biết và yêu thích chính là một bước đi trung gian cần thiết".

glyphhandsonjt.

Đây cũng là lý do mà nhiều công ty thực tế ảo bắt đầu nhìn vào thị trường điện thoại. "Nếu bạn muốn một thứ ngắn hạn và gây được chấn động trong ngành VR thì điện thoại chính là thứ bạn cần", Ed Tang, người sáng lập cũng là giám đốc chiến lược của Avegant cho biết. Công ty ông đã tạo ra một thiết bị nhìn giống như tai nghe với khả năng chiếu phim thực tế ảo mang tên Glyph. "Bạn có thể bán một miếng bìa carton chỉ 10$ hay 20$, hoặc một bộ vỏ 50$ hay 200$ để gắn điện thoại vào, và mọi người đã có sẵn smartphone rồi. Bạn đeo nó lên mặt, và bạn đã có một trải nghiệm VR chấp nhận được", Tang giải thích.

Carl Zeiss cũng có cùng suy nghĩ như thế. Andreas Klavehn, giám đốc mảng thiết bị đa phương tiện của công ty, cho biết rằng sau khi nhìn thấy cách mà Oculus giúp mọi người vẽ ra trí tưởng tượng của mình, và sau khi tự thử nghiệm, Zeiss muốn bước vào thị trường này ngay lập tức. Thay vì tự làm mọi thứ từ đầu, Zeiss phát triển ra chiếc VR One, một thiết bị đeo đầu với khay có thể thay thế để dùng với bất kì chiếc smartphone nào có màn hình từ 4,7" đến 5,2". Điểm mạnh của Zeiss đó là họ có kinh nghiệm rất lâu trong lĩnh vực quang học nên họ có thể làm ra những thấu kính cực kì tốt, và thấu kính là lại là một yếu tố quan trọng trong trải nghiệm VR.

Carl_Zeiss_VR_One_1. ​

Tương lai xa: Thực tế ảo không cần smartphone

Thực chất thì Zeiss và Avegant vẫn đang đánh một canh bạc lớn. Họ vẫn tập trung phát triển công nghệ hiển thị thay vì đầu tư phát triển phần mềm VR để xài với smartphone. Và họ vẫn đang cố gắng kiếm tiền từ những sản phẩm về cơ bản là không khác mấy so với ý tưởng CardBoard của Google. Vì sao? Vì tất cả đều có chung một tầm nhìn: rồi thì bạn cũng sẽ quăng chiếc smartphone của mình đi mà thôi.

Hãy nhìn vào những công ty nhỏ như Magic Leap (một công ty VR vừa được thành lập cách đây không lâu), hay các công ty lớn như Microsoft với kính thực tế ảo HoloLens. Thậm chí ngay cả Google Glass cũng thế. Tất cả đều nhắm tới một tương lai mà điện thoại không phải là thiết bị chính của bạn, và có thể lúc đó bạn còn chẳng sở hữu chiếc điện thoại nào cả. Tang chia sẻ: "Chúng sẽ trở thành một dạng thiết bị đeo được nào đó, một dạng kính đeo thông minh hay màn hình thông minh mà bạn để lên đầu. Có thể bạn sẽ có một loại máy tính nhỏ bé nào đó đi kèm. Gì cũng được. Nhưng nếu đó là xu hướng sắp tới, vậy việc chúng tôi làm ra những sản phẩm dựa trên smartphone ngày hôm nay có còn có ý nghĩa hay không?"

Với Samsung, DiCarlo nói rằng nếu tương lai đó có xuất hiện thì nó cũng là một chặng đường rất dài. Và trong thời gian chờ đợi đó thì bạn có thể làm rất nhiều thứ. "Màn hình của Note 4 thực chất chỉ là yêu cầu tối thiểu cho trải nghiệm thực tế ảo mà thôi". Ông chia sẻ rằng để đạt được trải nghiệm tốt nhất ở mọi góc nhìn, bạn sẽ phải phát hình ảnh độ phân giải 10K với tốc độ 30fps. Quên chuyện download nó đi, cũng đừng nghĩ tới việc stream một đoạn video trực tiếp từ Internet.

Nói về kinh nghiệm cá nhân, lần đầu tiên mình được thật sự trải nghiệm thực tế ảo đó là tại một sự kiện của AMD diễn ra vào năm 2014, tại Singapore. Ở đó AMD đặt một chiếc kính Oculus Rift được kết nối với một chiếc máy tính. Mình đang ở một căn phòng hội nghị trong khách sạn, và khi mình đeo kính vào thì lập tức mình trở thành một anh lính đang dạo chơi trong một khu rừng rậm nhiệt đới nào đó với trực thăng bay xung quanh. Bỗng nhiên có một chiếc tiến thẳng đến mình, và mình vẫn nhớ cảm giác khi ấy: giật mình, ngạc nhiên nhưng lại vô cùng phấn khích và đó là một cảm giác rất thực.

Đến bây giờ thì Oculus Rift vẫn là cái tên được biết đến nhiều nhất trong lĩnh vực thực tế ảo. Nó đại diện cho cả một ngành công nghiệp đang trên đà phát triển và có rất nhiều tiền năng trong tương lai. Nhưng tiếc là bạn vẫn chưa thể mua nó ngay lúc này.

2991397_Tinhte_tren_tay_Samsung_Gear_VR_2015-17.


Vẫn còn nhiều thứ phải làm - nhưng thực tế ảo đã đến rất gần

Đúng thế, vẫn còn nhiều thứ phải làm. Chơi game - ứng dụng quan trọng nhất của thực tế ảo - hiện vẫn chưa sẵn sàng. Công nghệ và cả các game VR đầu vẫn còn quá đắt đỏ. Việc chiếu phim VR cũng thế, nó ngốn quá nhiều thời gian và nguồn lực của các nhà sản xuất. Chúng ta đang nói về việc nhìn thấy một thế giới phủ kín 360 độ xung quanh đấy các bạn ạ, chứ không chỉ là một góc quay giới hạn như hiện nay.

Nhưng tiến độ phát triển của ngành VR thì lại đang rất nhanh. Chiếc kính Gear VR mới nhất (loại dùng cho Galaxy S6 và S6 Edge) giờ đây nhẹ hơn và tiện lợi hơn so với phiên bản dùng cho Note 4 trước đây. Màn hình của S6 với mật độ điểm ảnh cao hơn cũng khiến cho trải nghiệm hình ảnh tốt hơn. Ngoài ra, các hãng cũng đang tìm kiếm cách ứng dụng VR cho những mảng khác mà trước đây có thể chúng ta không bao giờ ngờ đến: Qantas đưa kính Gear VR cho các hành khách bay khoang hạng nhất để họ trải nghiệm video, Oculus thì đưa thiết bị thực tế ảo vào liên hoan phim Sundance. Oculus lẫn Samsung cũng đang hướng đến "thực tế ảo phổ thông" (tức là đưa thiết bị đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi", trong khi Avegant thì nỗ lực tạo ra một thứ gì đó nhìn đẹp khi bạn đeo thiết bị thực tế ảo lên người.

Chúng ta vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu của kỉ nguyên thực tế ảo, và mọi thứ sẽ còn thay đổi cả nghìn lần trước khi đâu vào đó. Có thể trong vài năm tới thiết bị VR sẽ được tích hợp vào gọng kính của chúng ta, hoặc có thể nó sẽ được vận hành bởi một cái máy nhỏ xíu như nút ảo, mình không biết, bạn cứ thoải mái tưởng tượng. Chúng ta sẽ dùng VR cho việc chơi game đơn giản cho đến hỗ trợ phẫu thuật và cả trong quân sự nữa - rất nhiều, rất nhiều những thứ như thế. Vâng, công nghệ là về những điều điên rồ như thế đấy.

Ngoài ra, công nghệ thực tế ảo còn là cách để kết nối mọi người với nhau. Ở những lần trình diễn đầu tiên, Oculus đã từng dẫn người dùng vào một rạp phim ảo, nơi họ có thể ngồi cạnh những "avatar" của bạn bè và cùng xem một bộ phim, cùng nói chuyện với nhau dù cho đang cách nhau nửa vòng trái đất. Tất nhiên, chỉ mới có đoạn rạp phim ảo là được phát triển xong, còn việc ngồi cạnh, tán gẫu thì vẫn còn là chuyện của tương lai. Nhưng chỉ nhiêu đó cũng đã cho thấy được tiềm năng rộng lớn của VR rồi.

VR_Cinema_One.

Nói về tương lai xa quá, giờ quay trở lại với tương lai gần. Công nghệ thực tế ảo giờ đã có thể hiện diện trên smartphone rồi. Chiếc smartphone của bạn đủ mạnh, giá tốt, và việc gắn nó vào một chiếc kính sẽ giúp bạn xem được phim trên một màn hình rộng hơn kích cỡ 5" thực tế (hãy nhớ đến rạp phim ảo của Oculus nói trên). Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ để khiến người dùng bỏ vài chục đô la ra để sở hữu một cặp kính thực tế ảo làm từ carton rồi.

Nó cũng đủ để khiến cho bất kì ai xài smartphone hiểu được tiềm năng đang ngày một lộ rõ của thực tế ảo, và đủ để người ta bắt đầu mơ về những tình huống sử dụng rộng hơn cả việc chơi game hay xem phim. DiCarlo cho biết "Hiện tại mức độ nhận thức về VR của những người đứng bên ngoài cộng đồng công nghệ vẫn còn khá thấp. Nó là một vấn đề mà chúng tôi phải tiếp tục giải quyết".

Nguồn: Wired 

 

Popular Posts

Labels

Coolbthemes.com .