Biến đổi thành công tế bào ung thư thành tế bào miễn dịch

0
Tế bào bạch huyết.Hình ảnh một tế bào bạch huyết

Nhắc đến căn bệnh ung thư, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng khiếp sợ bởi nó đang ngày càng phổ biến với tỷ lệ tử vong cao. Để điều trị, thông thường người bệnh phải đối mặt với các cuộc phẫu thuật hoặc hóa trị rất đau đớn và tốn kém. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây được đăng trên tạp chí uy tín Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học tại đại học Stanford đã tìm ra một giải pháp mới rất đặc biệt và hoàn toàn trái ngược với các liệu pháp truyền thống để xử lý các tế bào ung thư.

Theo đó, thay vì tìm cách tiêu diệt và ngăn cản sự phát triển của các tế bào sai hỏng, họ sẽ “nuôi dưỡng”, biến chúng thành các tế bào miễn dịch vô hại. Không những thế, những tế bào này khi đó còn có thể trở thành vũ khí giúp cơ thể tiêu diệt các khối u khác.

Kết quả thú vị này được phát hiện rất tình cờ trong quá trình nghiên cứu bệnh bạch huyết cấp (hay còn gọi là bệnh máu trắng cấp) và một dạng điển hình của nó với tên gọi B-ALL. Dạng ung thư này có nguyên do từ các tế bào bạch huyết sản sinh kháng thể B (B-lymphocytes) non không thể phát triển thành các tế bào thông thường do thiếu các yếu tố phiên mã (Transcription factors), một dạng protein gắn vào DNA có chức năng bật hoặc tắt những gen nhất định. Bệnh thường diễn biến nhanh và rất khó dự đoán, người nhiễm bệnh máu trắng cấp nếu không được chữa trị kịp thời thì chỉ có thể kéo dài sự sống trong vòng vài tháng, hoặc thậm chí là chỉ vài tuần sau khi phát bệnh.

Chính điều này thôi thúc nhóm nhà khoa học tại Stanford thực hiện các nghiên cứu tỉ mỉ để tìm ra biện pháp xử lý hiệu quả giúp ngăn cản quá trình biến đổi bất thường của các tế bào bạch huyết chưa trưởng thành này. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất mà họ phải đối mặt là giữ cho các tế bào này vẫn còn hoạt động sau khi bị tách ra khỏi các cơ thể sống. Nhóm nghiên cứu cho biết, họ đã thử tất cả mọi cách có thể. Và điều kỳ diệu đã xảy ra sau khi họ cung cấp cho các tế bạch huyết bào B này một yếu tố phiên mã xác định. Các tế bào này bắt đầu thay đổi kích thước và hình dạng theo hình thái và cấu trúc của các đại thực bào (Macrophage), một thành phần khác của bạch huyết có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch.

Tiếp tục tìm hiểu, các nhà khoa học nhận thấy các tế bào sau khi thay đổi này chứa các gen tương tự như những đại thực bào thông thường và có thể thực hiện những chức năng khác nhau của các đại thực bào ví dụ như tiêu diệt vi khuẩn. Hơn thế nữa, sau khi họ cấy những tế bào này trở lại cơ thể sống của chuột, loại động vật mà không có hệ miễn dịch, thì chúng cũng không gây nên bệnh ung thư nữa.

Nhóm nghiên cứu cho biết, các tế bào sai hỏng sau khi được sửa đổi không chỉ không còn là các tế bào ung thư đối với cơ thể sống nữa, mà ngược lại còn giúp tăng cường hệ miễn dịch giúp chống lại các tế bào ung thư khác còn lại trong cơ thể. Giải thích điều này, tiến sĩ Majetid thuộc viện ung thư của đại học Stanford và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết lý do là bởi các đại thực bào mới này được tạo thành từ các tế bào ung thư nên chúng cũng chứa các tín hiệu hóa học để xác định chính các tế bào ung thư ban đầu, từ đó sẽ dễ dàng hơn trong việc khởi động hệ miễn dịch đặc hiệu của cơ thể để chống lại căn bệnh này.

Được biết, trong thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu để tìm ra một loại thuốc đặc trị cho bệnh nhân ung thư máu dựa trên cơ chế của những chuyển đổi trên tế bào ung thư trong nghiên cứu này. “Đã đến lúc cần phải tìm ra các liệu pháp điệu trị khác, hiệu quả hơn cho các căn bệnh ung thư”, Majetid cho biết.​

Nguồn: IFLScienceMembs