0
Ma có thật không? Đây là một trong những câu hỏi gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử nhân loại. Hàng nghìn năm qua, vô số ý kiến trái chiều nhau đã được đưa ra nhằm cố gắng lý giải cho hiện tượng siêu nhiên này. Dưới khía cạnh khoa học, các nhà nghiên cứu chắc chắn đã có nhiều nghiên cứu nhằm tìm hiểu bí ẩn đó và bên dưới đây là một số phát hiện của họ. Đầu tiên, xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện ma ngay tại Nhà Trắng!Câu chuyện ma trong Nhà Trắng của thủ tướng Anh!
Không lâu sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Winston Churchill (1874-1965; cựu Thủ tướng Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland) đã có chuyến viếng thăm Nhà Trắng, Hoa Kỳ và ông cho biết đã có những trải nghiệm hết sức huyền bí. Sau khi ngâm mình trong bồn tắm với 1 ly Scotch và xì gà, ông bước sang phòng ngủ bên cạnh. Tại đó, ông đã bắt gặp hồn ma của Tổng thống Abraham Lincoln. Hết sức bình tĩnh mặc dù đang khỏa thân, nhưng Churchill vẫn đưa tay ra chào và nói "Chào buổi tối, Ngài tổng thống. Có vẻ như chúng ta gặp nhau trong lúc không thuận tiện cho tôi lắm." Ngay lúc ấy, linh hồn mỉm cười và biến mất.
Winston Churchill (1874-1965; cựu Thủ tướng Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ireland), người kể lại rằng đã gặp hồn ma Tổng thống Abraham Lincoln trong Nhà Trắng
Câu chuyện của Winston Churchill chỉ là một trong số nhiều hiện tượng mà người ta gặp phải, bao gồm cả những người nổi tiếng. Sir Arthur Conan Doyle, cha đẻ của thám tử lừng danh Sherlock Holmes, cho biết ông từng nói chuyện với hồn ma qua bà đồng cốt trong khi thiên tài Alan Turing cũng khẳng định rằng ông đã viễn cảm được ma. 3 người đàn ông trên đều nổi tiếng với bộ óc suy luận logic tuyệt vời, nhưng những suy nghĩ sắc bén không thể khiến họ ngừng tin vào những điều không thật. Và rất có thể, chúng ta cũng giống như họ. Theo cuộc điều tra hồi năm 2005 do các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton thực hiện, có tới 3/4 người Mỹ tin vào các hiện tượng siêu nhiên và 1/5 trong số đó cho rằng họ đã thật sự nhìn thấy ma.
Bị hấp dẫn bởi niềm tin vào ma quỷ của nhiều người, các nhàtâm lý học bắt đầu nghiên cứu để tìm hiểu xem tại sao họ không thể thoát ra khỏi các khái niệm mê tín dị đoan xưa cũ và các huyền thoại truyền miệng trong dân gian. Cuối cùng, phát hiện của các nhà tâm lý học có thể gợi ý về tác dụng của việc tin vào ma quỷ. Theo đó, nó có thể khiến cho bạn luôn giữ nhiều thắc mắc về thế giới huyền bí trong cuộc sống.
Ma gương, người không mặt, kẻ bám đuôi trong bóng tối, bóng đè,… "Chúng ta tạo ra niềm tin vì chúng ta không tin vào sự ngẫu nhiên trong vũ trụ"
Ảnh minh họa
Trước đây, một số hiện tượng siêu nhiên đã lần lượt được bóc tách dưới ánh sáng khoa học một cách dễ dàng dựa vào những "lỗi trong hoạt động của não". Hiện tượng cảm thấy có ma quỷ di chuyển đồ vật được cho là do tổn thương vùng não trên bán cầu phải chịu trách nhiệm xử lý hình ảnh; một số biểu hiện của bệnh động kinh có thể lý giải cho cảm giác luôn có bóng ma theo sau rình rập con người hoặc những chiếc bóng không có khuôn mặt lấp ló trong môi trường xung quanh.
Mặt khác, những người hoàn toàn khỏe mạnh bình thường vẫn có thể bị ảo giác và nhìn thấy các nhân vật huyền bí. Các nhà khoa học cho rằng đây chỉ là hiện tượng thần kinh.Điển hình như một nhà tâm lý học trẻ tuổi người Ý từng cho biết là khi ông thức dậy vào buổi sáng và nhìn vào gương, ông thấy trong đó có một người đàn ông già nua đang nhìn mình. Sau khi tiến hành nhiều thử nghiệm, ông kết luận rằng hiện tượng ảo ảnh sẽ xuất hiện khi bạn nhìn vào hình ảnh trong gương ở điều kiện thiếu sáng. Khi đó, não bộ sẽ cố gắng tự xây dựng thêm thông tin để điền vào hình ảnh còn thiếu. Do đó, hình ảnh của đầu lâu, nếp nhăn, hoặc thậm chí là các loại sinh vật ghê gớm sẽ xuất hiện.
Hiện tượng ảo ảnh sẽ xuất hiện khi bạn nhìn vào hình ảnh trong gương ở điều kiện thiếu sáng. Khi đó, não bộ sẽ cố gắng tự xây dựng thêm thông tin để điền vào hình ảnh còn thiếu.
Do đó, người ta lập luận rằng có thể hình ảnh mà thủ tướng Anh Churchill nhìn thấy là sự kết hợp giữa thể trạng mệt mỏi, kiệt sức, thuốc lá, rượu và cộng thêm một ít "trò đùa từ ánh sáng". Vậy điều đó có đủ để lý giải cho hiện tượng lên đồng mà Conan Doyle chứng kiến?
Một lá chắn bảo vệ của con người
Ảnh minh họa
Các nhà tâm lý học chuyên nghiên cứu tôn giáo từ lâu đã cho rằng niềm tin vào hiện tượng siêu nhiên là một dạng lá chắn bảo bệ con người khỏi những sự thật phũ phàng của thế giới thực tại. Theo đó, khi có điều gì đó xảy đến quá đột ngột, như cái chết, thảm họa thiên nhiên hoặc mất việc,… não bộ sẽ cố gắng lùng sục câu trả lời, đi tìm ý nghĩa của sự hỗn loạn. Giáo sư Jennifer Whitson tại Đại học Texas, người đã dành nhiều năm để nghiên cứu mô hình nhận thức, phán xét và ra quyết định của con người, cho biết rằng: "Đó là một trạng thái mâu thuẫn, nếu chúng ta không thể kiểm soát được một sự kiện khách quan, chúng ta sẽ cố gắp thu thập tất cả những dữ kiện xung quanh ngay cả khi chúng không có thật."
Giáo sư Jennifer cho biết: "Thậm chí chỉ cần yêu cầu ai đó nhớ lại thời điểm họ cảm thấy mất kiểm soát, ngay lập tức ảo giác về một lực lượng siêu nhiên sẽ ập đến." Thú vị hơn, bà còn phát hiện rằng đây chính là bản chất của việc nhìn thấy các hình ảnh ma quái đang hiện trên bản chứa đầy các con số đang biến động (bảng giá chứng khoán chẳng hạn) hoặc cảm giác liên kết 2 sự việc không liên quan sẽ dẫn tới một kết quả như ý (một số người cho rằng chỉ cần gõ trên gỗ sẽ tăng thêm may mắn khi đi phỏng vấn).
Ảnh minh họa
Theo chuyên gia tâm lý học Adam Waytz tại Đại học Illinois, thuyết nhân hình (Anthropomorphism) cũng có thể là cách phổ biến để lý giải cho phản ứng của con người trước các sự kiện. Điều này đã tạo nên các ý tưởng như ma quỷ tạo ra bão tố, gây bệnh cho con người, một cành cây ngẫu nhiên rơi xuống là cách mà ma quỷ gởi thông điệp cảnh báo tới con người,… Waytz cho biết: "Chúng tạo ra niềm tin vào ma quỷ vì chúng ta không muốn tin rằng vũ trụ là ngẫu nhiên và thường xuất hiện khi chúng ta cảm thấy không thể kiểm soát cuộc sống."
Bóng vía cũng có trọng lượng nặng nhẹ?
(Ảnh minh họa) những người mê tín có thể có "nhận thức ức chế" yếu hơn so với người bình thường
Một số người cho biết rằng họ thường xuyên nhìn thấy ma và thậm chí mê tín dị đoan hơn so với những người khác. Tại sao vậy? Tapani Riekki tại Đại học Helsinki, Phần Lan đã dành nhiều năm nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi nói trên. Trong quá trình nghiên cứu, nhiều người đã tìm đến và phản đối ông, họ cho rằng ông không thể hiểu được thế giới quan của họ:"Họ cho rằng tôi không thể nhìn được cái họ nhìn, cảm nhận được cái họ đã cảm nhận hoặc không tin cái họ tin."
Trong một thử nghiệm, Riekki yêu cầu các tình nguyện viên (cả tin lẫn không tin có ma) nằm trên một máy quét não và quan sát chuyển động của các hình ảnh đơn giản. Ông phát hiện ra rằng những người tin vào hiện tượng siêu nhiên sẽ thường "nhìn thấy" động cơ của các chuyển động. Đồng thời, hoạt động thuộc vùng não có liên quan tới "lý thuyết trong tâm trí" cũng nhiều hơn bình thường. Kết quả là họ sẽ chơi trò chơi đuổi bắt để gắn kết nguyên nhân của các chuyển động.
(Ảnh minh họa) Cái bạn nhìn thấy chịu ảnh hưởng lớn bởi phán quyết của não bộ
Hơn nữa, Riekki nhận thấy rằng những người tin vào thuyết siêu nhiên sẽ có xu hướng nhìn thấy những khuôn mặt trong các bức ảnh hàng ngày. Một kết luận tương tự cũng được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Amsterdam. Theo đó, những người mê tín có xu hướng tưởng tượng ra hình ảnh ai đó đang di chuyển trong môi trường ánh sáng ngẫu nhiên, nhiều hơn so với những người theo chủ nghĩa hoài nghi.
Thêm vào đó, Riekki phát hiện rằng những người mê tín có thể có "nhận thức ức chế" yếu hơn so với người bình thường. Đây là kỹ năng cho phép con người hủy bỏ các suy nghĩ không mong muốn. Do đó, người lạc quan luôn gạt những suy nghĩ huyền bí sang một bên trong khi những suy nghĩ ma quái luôn quanh quẩn, lặp đi lặp lại trong đầu của những người mê tín. Riekki đã đưa ra 1 thí dụ về hiện tượng nói nôm na là "vừa nhắc đã xuất hiện" (dân gian mình thì "nhắc tiền nhắc bạc đỡ biết bao nhiêu" ). Cụ thể, khi ai đó vừa nghĩ tới mẹ họ thì khoảng 2 phút sau, họ nhận được điện thoại từ người mẹ.
(Ảnh minh họa) Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trải nghiệm ma quỷ thường đi xuất hiện khi có tâm lý mệt mỏi, lạc lõng
Những người duy lý sẽ cười và cho rằng đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên mà không hề vướng bận vào suy nghĩ ma quái. Trong khi đó, những người mê tín sẽ cho rằng có thế lực nào đó đứng đằng sau điều này. Đáng chú ý hơn, một nghiên cứu do các nhà tâm lý học tại Đại học Liverpool Hope đã kết luận rằng hiện tượng trên ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định của những người mê tín, giúp họ cảm thấy tự tin hơn, đặc biệt là trong các tình huống thông tion mơ hồ. Và một khi mối liên kết được họ thực hiện thành công, họ sẽ ít có khả năng quên đi điều đó.
Tính 2 mặt của sự mê tín
Dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tâm lý mê tín đôi khi cũng có những khía cạnh tích cực, có thể tăng cường hiệu suất khi thực hiện các kỹ năng nào đó. Trong 1 thử nghiệm, người ta đưa cho những người mê tín một vật và nói với họ rằng nếu mang theo nó sẽ may mắn khi chơi golf. Vô hình chung, điều này giúp tăng cường sự tự tin của họ và kết quả cho thấy, những người này sẽ ghi được điểm nhiều hơn so với người khác. Thậm chí, chỉ cần dùng câu nói "chúc may mắn" hoặc "tôi luôn ủng hộ bạn" sẽ giúp người nghe cải thiện được thành tích khi tham gia các hoạt động đòi hỏi kỹ năng và khả năng giải quyết trước tình huống khó khăn cũng tăng lên.
Ở khía cạnh nào đó, niềm tin sẽ tăng cường sự tự tin vào bản thân và đạt thành tích tốt hơn
Và thậm chí là đối với những người hết sức duy lý nhưng cũng đừng nên đánh giá thấp sức mạnh của các suy nghĩ ám thị. Tiến sĩ tâm lý học Michael Nees tại trường cao đẳng Lafayette vừa thực hiện một thử nghiệm khá thú vị. Ông yêu cầu một nhóm sinh viên lắng nghe đoạn ghi âm lấy từ chương trình truyền hình săn ma (một số sinh viên được mồi trước rằng họ đang tham gia vào lớp nghiên cứu huyền bí). Kết quả cho thấy, những người được mồi trước đã báo cáo rằng họ "nghe được giọng nói" từ đoạn băng trong khi trước đó họ đều cho rằng mình là người duy lý. Dường như các hiện tượng ma quái đều chỉ là những kỳ vọng chịu ảnh hưởng từ trong suy nghĩ.
Trong khi đó, nghiên cứu của giáo sư Jennifer Whitson (phần trên) cho thấy rằng chúng ta rất dễ tưởng tượng ra những hiện tượng kỳ lạ khi lâm vào hoàn cảnh bất ổn. Trong thử nghiệm mới nhất, bà kết luận rằng chỉ cần gieo cảm giác hy vọng (thường được xem là cảm giác tích cực) vào tâm trí của ai đó, thì niềm tin vào thế lực siêu nhiên hoặc thuyết âm mưu của họ có thể vẫn tiếp tục tăng. Bà cho biết nguyên nhân có thể là do dù hy vọng nhưng sự không chắc chắn vẫn còn tồn tại, điều đó tạo nên những câu hỏi về tương lai.
Ảnh minh họa lấy từ đoạn quảng cáo của Nikon
Cuối cùng, các chuyên gia đều gợi ý rằng các suy nghĩ tiêu cực, mê tín sẽ rất dễ dàng ập đến khi con người ta rơi vào tâm trạng bất an, mất cân bằng,… do đó cần phải tỉnh táo, khôn ngoan để tự điều chỉnh suy nghĩ mỗi khi cảm thấy mất kiểm soát. "Chúng ta phải luôn sẵn sàng để đánh giá các dữ kiện thu thập được một cách thận trọng hơn." Như trường hợp của thủ tướng Churchill, Turing và Conan Doyle, những bộ óc tinh tường nhất cũng bị chính nó tạo nên các suy nghĩ võ đoán hết lần này đến lần khác.
Câu trả lời có ma hay không? Dường như quá lớn để khoa học có thể lý giải, tuy nhiên, từng hiện tượng cụ thể dần dần đã được đưa ra ánh sáng khoa học? Bạn có tin rằng một ngày nào đó câu hỏi này sẽ có câu trả lời? Đó sẽ là chuyện của tương lai. Cám ơn đã theo dõi bài viết quá dài này. Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho các bạn một số thông tin thú vị, từ đó có thêm góc nhìn về cuộc sống xung quanh. Chúc vui vẻ và không sợ ma .
0 Awesome Comments!