Tìm hiểu về kết nối MHL, xuất hình ảnh và âm thanh từ smartphone/tablet ra màn hình ngoài

0
  1. tim_hieu_ve_ket_noi_mhl_xuat_hinh_anh_va_am_thanh_tu_smartphone_tablet_ra_man_hinh_ngoai_0.
    MHL
     (Mobile High-Definition Link) là một chuẩn công nghiệp và là một giao diện để truyền âm thanh, hình ảnh từ một thiết bị phát ra một màn hình ngoài. Trong thời buổi ngày nay, ứng dụng phổ biến và dễ thấy nhất của MHL đó là xuất nội dung từ những chiếc điện thoại di động, máy tính bảng ra HDTV. MHL hỗ trợ xuất hình ảnh với độ phân giải tối đa là Full-HD 1080p, còn về âm thanh thì hỗ trợ chuẩn 7.1 surround. Trong quá trình sử dụng, MHL còn có thể sạc pin cho thiết bị của chúng ta nữa. Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu đến các bạn một số thông tin quan trọng liên quan đến kết nối này, cách nó hoạt động ra sao và làm thế nào để ta sử dụng nó.

    1. Phiên bản và những công ty phát triển MHL

    MHL được một công ty mang ty mang tên Silicon Image phát triển dựa trên công nghệ Transmission-Minimized Differential Signaling (TMDS). Lần đầu tiên nó xuất hiện trước công chúng là tại triển lãm CES 2008. Hiện nay trên thế giới có một liên minh MHL, gọi là MHL Consortium, làm nhiệm vụ cấp bản quyền sử dụng cũng như quảng bá cho kết nối này. MHL Consortium được thành lập vào tháng 4 năm 2010 bao gồm những tên tuổi lớn trong làng công nghệ như Nokia, Samsung, Sony, Toshiba, Silicon Image, Onkyo, LG. Cấu hình kĩ thuật của phiên bản MHL 1.0 được ra mắt chính thức vào tháng 7/2010. Đến tháng 5/2011, những sản phẩm thương mại đầu tiên có tích hợp MHL được bán ra thị trường. Tháng 5/2012, Silicon Image công bố cấu hình và chip tương thích với MHL 2.0. Tháng 8/2013, chuẩn MHL 3.0 ra đời.

    2. Tính năng của MHL
    • Xuất trực tiếp những gì đang hiện trên màn hình thiết bị di động của bạn ra màn hình ngoài
    • Cho phép vừa xuất hình vừa sạc thiết bị, do đó bạn sẽ không còn lo lắng đến chuyện pin hết giữa chừng. Đây cũng là điểm nổi bật nhất so với kết nốiHDMI.
    • Có thể sử dụng chung cổng vật lý với microUSB, không cần phải có cổng HDMI riêng, giúp tiết kiệm không gian trên các thiết bị di động
    • Truyền hình ảnh không nén độ phân giải tối đa 1920 x 1080p với tần số nhanh nhất là 30Hz (MHL 1.0) hoặc 60Hz (MHL 2.0)
    • Hỗ trợ truyền âm thanh surround không nén 8 kênh (7.1)
    • Hỗ trợ đầy đủ công nghệ HDCP (High-bandwidth Digital Content Protection) giúp bảo vệ tác quyền nội dung số đang xem.
    Nói tóm lại, những thiết bị MHL cho phép chúng ta sao chép màn hình của thiết bị di động ra ngoài, gần giống với chức năng của HDMI. Nhờ đó, bạn có thể thoải mái chơi game, duyệt web, chạy ứng dụng trên một màn hình lớn hơn. Âm thanh theo MHL đi ra nên bạn có thể thưởng thức những bộ phim Full-HD đang được lưu trên smartphone, tablet của mình. Cũng cần phải nói thêm rằng khi xuất hình ảnh ra ngoài, màn hình của thiết bị di động vẫn hiển thị như bình thường, và bạn có thể điều khiển máy y như bình thường.

    3. Kết nối MHL

    MHL không bị ràng buộc bởi một kết nối phần cứng xác định nào. Trong thời gian gần đây, chúng ta thường thấy MHL được kết hợp chung với cổngmicroUSB (trên smartphone, tablet) hoặc cổng HDMI (trên HDTV, máy chiếu, màn hình,...). Khi truyền phát, toàn bộ tín hiệu thu và nhận đều do công nghệ MHL đảm nhiệm, công nghệ và kĩ thuật của USB hay HDMI không có nhiệm vụ gì ngoại trừ cung cấp kết nối vật lí và cổng giao tiếp để ta gắn cáp vào. Như vậy, các bạn đừng lầm tưởng rằng bản thân microUSB có thể truyền hình ảnh ra ngoài nhé. Nó chỉ là cái vỏ để MHL hoạt động mà thôi.

    Trong quá trình sử dụng, các màn hình ngoài sẽ cung cấp nguồn cho những thiết bị cầm tay nếu cần, nhưng thường thì smartphone, tablet của chúng ta đã có sẵn pin để chạy rồi. Việc xuất hình của MHL được thực hiện thông qua một sợi cáp duy nhất. Remote của HDTV cũng có thể được sử dụng để điều khiển thiết bị di động thông qua việc hợp tác giữa các nhà sản xuất.

    MHL có thể xuất hình ảnh trực tiếp sang một thiết bị khác có cổng tương thích trực tiếp với MHL. Khi đó, chúng ta chỉ cần một sợi cáp có hai đầu: một đầu microUSB để cắm vào smartphone, đầu còn lại là HDMI để cắm vô TV. Tuy nhiên số lượng màn hình hỗ trợ MHL trực tiếp vào cổng HDMI chưa nhiều, thay vào đó chúng ta dùng adapter trung gian để có thể xuất hình ảnh thông qua cổng HDMI thông thường. Adapter sẽ có các chip xử lí để chuyển tín hiệu MHL sang tương thích với HDMI, và thường thì ta phải cấp nguồn cho adapter để nó hoạt động.

    tim_hieu_ve_ket_noi_mhl_xuat_hinh_anh_va_am_thanh_tu_smartphone_tablet_ra_man_hinh_ngoai_1.
    Xuất trực tiếp hình ảnh từ điện thoại ra HDTV, chỉ áp dụng với các TV tương thích MHL

    tim_hieu_ve_ket_noi_mhl_xuat_hinh_anh_va_am_thanh_tu_smartphone_tablet_ra_man_hinh_ngoai_2.jpg.
    Xuất hình ảnh từ điện thoại ra HDTV thông qua adpter (hoặc dock, hoặc bất kì thiết bị bắc cầu nào). Cách này áp dụng được với mọi TV có cổng HDMI

    Hiện nay, MHL xuất hiện phổ biến nhất dưới dạng tích hợp vào cổng microUSB 5 chân và theo phương pháp dùng adapter. Rất nhiều smartphone và tablet của Samsung, HTC, Sony, LG, Pantech, Sony, Onkyo, Huawei hỗ trợ MHL. Bạn có thể xem danh sách đầy đủ tại đây hoặc tại đây. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm trên hộp sản phẩm của mình xem có dấu hiệu của MHL trên đó hay không.

    Tuy nhiên, có hai sản phẩm dùng MHL thông qua cổng microUSB loại 11 chân, đó là Samsung Galaxy S III và Note II. Samsung làm như vậy là nhằm giúp cổng microUSB trên hai smartphone này vừa sử dụng chức năng của USB song song với chức năng của MHL (do đó số chân mới tăng lên). Khi bạn cắm adapter MHL-HDMI của Samsung vào S III hay Note II, bạn vừa có thể xuất hình ảnh và âm thanh ra ngoài, vừa có thể sử dụng cổng USB trên đó để chép dữ liệu. Ngoài ra, S III và Note II có thể cung cấp nguồn trực tiếp cho adapter HML-HDMI chứ không đòi hỏi nguồn riêng như các adapter của LG hay HTC. Mặc dù cổng microUSB 5 chân cũng có thể làm chuyện này trên lý thuyết nhưng S III với cổng 11 chân của mình là sản phẩm đầu tiên hỗ trợ chức năng này. Nhược điểm của việc này đó là các adapter MHL-HDMI phổ biến không thể dùng với S III và Note II, chúng ta phải mua adapter riêng của Samsung.

    tim_hieu_ve_ket_noi_mhl_xuat_hinh_anh_va_am_thanh_tu_smartphone_tablet_ra_man_hinh_ngoai_3.
    Adapter MHL-HDMI

    4. Chip MHL

    MHL được điều khiển bởi các con chip MHL do Silicon Image phát triển và sản xuất. Đối với MHL 2.0, các con chip này bao gồm SiI8240 MHL transmitter (dùng cho các điện thoại, máy tính bảng, camera, máy tính xách tay để phát tín hiệu) và SiI9617 MHL-to-HDMI Bridge (dùng cho các dock hoặc adapter trung gian giữa thiết bị di động với TV). Những con chip nói trên hỗ trợ xuất hình ảnh 1080p, hỗ trợ hiển thị hình ảnh 3D và có khả năng cấp nguồn điện để vận hành hoặc sạc thiết bị ngay trong lúc chiếu phim với thời gian nhanh gấp đôi so với MHL 1.0. Theo Silicon Image, SiI8240là bộ phát MHL đầu tiên hỗ trợ độ phân giải 1080p 60Hz, giúp các thiết bị truyền hình ảnh với tốc độ 60 khung hình/giây sang màn hình ngoài. SiI8240 có chân cắm tương thích với con chip SiI9244 của MHL 1.0 để những nhà sản xuất dễ dàng tích hợp nó vào sản phẩm của mình.

    Ở đây mình chỉ giới thiệu cho các bạn biết thôi, chứ chip MHL đã được các sản xuất thiết bị tích hợp sẵn vào điện thoại/máy tính bảng/adapter rồi, chúng ta cứ thế mà dùng.

    5. Cách sử dụng MHL để xuất hình ảnh ra ngoài

    Thông qua adapter

    Để xài được MHL trên những thiết bị di động hiện này cực kì đơn giản, chúng ta chỉ cần có đủ đồ nghề là được. Chúng bao gồm những thứ sau:
    • Một adapter MHL-HDMI, bạn có thể dễ dàng kiếm mua nó trên mạng của các bên thứ ba. Các hãng như LG, Samsung, HTC cũng có bán adapter này. Hầu hết adapter đều tương thích với nhiều hãng khác nhau, tuy nhiên nếu bạn dùng Galaxy S III hay Galaxy Note II thì phải mua cái của Samsung nhé.
    • Một sợi cáp microUSB-USB để cấp nguồn cho adapter. Bạn có thể dùng cáp sạc điện thoại của mình cho tiện, khỏi mua thêm. Nếu adapter đã có sẵn cáp thì càng khỏe.
    • Một thiết bị tương thích với MHL, một chiếc TV có cổng HDMI
    • Cáp HDMI loại full-size (Type A), là loại cáp mà bạn kết nối từ laptop hay set-top box ra TV. Cái này cũng có thể kiếm mua dễ dàng trên thị trường, ở các cửa hàng linh kiện máy tính.
    Sau khi đã có đủ những thứ trên, bạn kết nối theo sơ đồ bên dưới.

    tim_hieu_ve_ket_noi_mhl_xuat_hinh_anh_va_am_thanh_tu_smartphone_tablet_ra_man_hinh_ngoai_4.

    Nếu chưa rõ thì đây sẽ là các đầu bạn cần kết nối với adapter của mình

    tim_hieu_ve_ket_noi_mhl_xuat_hinh_anh_va_am_thanh_tu_smartphone_tablet_ra_man_hinh_ngoai_5.

    Khi bạn đã cắm hoàn tắt, thường thì điện thoại/máy tính bảng sẽ ngay lập tức chớp màn hình một cái để báo hiệu cho chúng ta biết kết nối đã được thiết lập. Hình ảnh từ màn hình trên thiết bị của bạn sẽ hiện ra TV. Xong rồi đấy, thưởng thức nào các bạn.

    Cắm trực tiếp

    Nếu màn hình hay TV của bạn có cổng HDMI tương thích với MHL thì chúng ta chỉ cần mua 1 sợi cáp HDMI-microUSB có tích hợp MHL là xong. Cắm một đầu vào điện thoại, một đầu ra TV là ổn. Tuy nhiên loại cáp này ở Việt Nam hơi khó kiếm hơn là cái adapter bên trên.

    tim_hieu_ve_ket_noi_mhl_xuat_hinh_anh_va_am_thanh_tu_smartphone_tablet_ra_man_hinh_ngoai_6.
    TV có cổng HDMI/MHL

    tim_hieu_ve_ket_noi_mhl_xuat_hinh_anh_va_am_thanh_tu_smartphone_tablet_ra_man_hinh_ngoai_7.
    Cáp MHL HDMI-microUSB

    Chúc các bạn thành công.