Dark Web - những góc tối của Internet

0
 Dark Web - những góc tối của Internet
Chính phủ một số nước đã tiến hành chiến dịch chống lại Dark Web - thế giới ngầm trên Internet mà người dùng phổ thông cũng như công cụ tìm kiếm không thể nhìn thấy.
Internet rất rộng lớn và những gì người dùng phổ thông biết đến chỉ là một phần rất nhỏ. Có rất nhiều trang web mà công cụ tìm kiếm không thể tìm ra và không thể mở bằng trình duyệt thông thường. Ở đó là cả một thế giới ngầm của những kẻ buôn bán ma túy, vũ khí, những kẻ bệnh hoạn, ấu dâm, sát thủ...
Chính phủ Anh đã thành lập một ủy ban chuyên trách các vấn đề liên quan đến Dark Web, trong đó tập trung ngăn chặn các nội dung lạm dụng tình dục trẻ em cũng như phá vỡ các đường dây buôn lậu, rửa tiền...
Có hai thuật ngữ thường được nhắc đến là Deep Web và Dark Web - thường được dùng thay thế nhau nhưng vẫn có một chút khác biệt.
Deep Web mô tả tất cả những gì mà công cụ tra cứu trực tuyến không thể truy ra, bao gồm các trang web, cơ sở dữ liệu người dùng, webmail, các hệ thống quản trị nội dung, các báo cáo khoa học... Nội dung Deep Web chiếm đến 90% Internet. Có nghĩa, Deep Web không hoàn toàn đồng nghĩa với "thế giới trực tuyến bí mật và đen tối", nó xấu hay tốt hoàn toàn do người dùng tạo nên.
Trong khi đó, Dark Web là một phần nhỏ nằm trong Deep Web, tập hợp những website mà IP máy chủ đã bị ẩn, hoàn toàn "vô hình" trước các công cụ tìm kiếm và người dùng chỉ có thể truy cập thông qua một phần mềm đặc biệt.
Có nhiều công cụ hỗ trợ truy cập Dark Web như Freenet, I2P nhưng phổ biến nhất là Tor (The Onion Router). Tor được các nhà nghiên cứu trong quân đội Mỹ phát triển từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước với mục đích che giấu các hoạt động tình báo trực tuyến. Tor sau đó được phát hành công khai cho bất cứ ai cũng có thể sử dụng. Lý do rất đơn giản: càng nhiều người dùng hệ thống, đối phương càng bị nhiễu trước các thông tin nặc danh.
Nói một cách dễ hiểu, nếu sử dụng trình duyệt Chrome hay Internet Explorer, danh tính và vị trí của người dùng có thể dễ dàng bị lần ra. Nhưng nếu duyệt bằng Tor, thông tin người dùng và máy chủ tên miền sẽ được khóa chặt và bảo vệ ở mức cao nhất.
Tuy nhiên, chính khả năng đảm bảo tính nặc danh nên Dark Web lại trở thành nơi đặc biệt nguy hiểm, là "sân chơi" của tội phạm mạng. Nhiều người bắt đầu nghe nói đến thế giới này sau khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) triệt phá Silk Road - trang Dark Web chuyên mua bán nhiều loại hàng cấm và được mệnh danh là "Amazon.com của ma túy".
Các chuyên gia bảo mật cảnh báo người dùng Internet không nên tò mò về Dark Web, bởi bên cạnh những công dụng tích cực cho chính phủ, nhà báo, các nhà hoạt động..., đó là nơi thực hiện những giao dịch đen, nơi chứa những nội dung đồi trụy, bẩn thỉu, nơi hoạt động của các sát thủ, phần tử cực đoan...
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS và các tổ chức khủng bố khác cũng đang sử dụng Dark Web để chia sẻ những kế hoạch tấn công.
Ngày 18/11, chuyên gia Scott Terban cho hay, IS đang chuyển một trong các website tuyên truyền quan trọng nhất của chúng vào Dark Web. Động thái này được đưa ra sau khi IS bị nhóm hacker Anonymous tấn công dồn dập vì đã gây ra vụ khủng bố tại Paris khiến ít nhất 129 người chết cuối tuần trước.
Scott Terban nhận định, với khả năng ẩn thông tin ở mức cao của Dark Web, mục tiêu xóa sổ IS trên Internet của Anonymous sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu những kẻ khủng bố tiến hành các chiến dịch xuất phát từ thế giới ngầm. 
Theo VnExpress