Giải Nobel làm thay đổi vốn kiến thức của loài người về vũ trụ

0
Hai nhà khoa học giành Giải Nobel Vật lý 2015 Takaaki Kajita và Arthur B. McDonald. (Nguồn: Nobelprize.org)
Chiều 6/10 (giờ Việt Nam), Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Vật lý 2015 cho nhà khoa học người Nhật Bản Takaaki Kajita và đồng nghiệp người Canada Arthur B. McDonald vì phát hiện sự chuyển động của các hạt neutrino, qua đó làm thay đổi kiến thức của loài người về vũ trụ.
Theo trang web Nobelprize.org, Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển (RSAC) quyết định trao giải Nobel Vật lý cho nhà khoa học Takaaki Kajita và Arthur B. McDonald nhờ phát hiện hạt neutrino có thể thay đổi dạng thái và cho thấy hạt sơ cấp này có khối lượng dù cực nhỏ.
Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Goran K. Hansson cho biết, “phát hiện này đã làm thay đổi sự hiểu biết của chúng ta về thế giới lượng tử và đóng vai trò quan trọng đối với kiến thức của loài người về vũ trụ”.
Từ nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học quốc tế luôn trăn trở với sự bí ẩn trong bản chất hạt neutrino. Thậm chí, nhiều người còn không tin rằng nó tồn tại.
Năm 1956, hai nhà vật lý học Mỹ Frederick Reines (đoạt giải Nobel năm 1995) và Clyde Cowan đã gửi thư cho nhà khoa học Áo Wolfgang Pauli (giải Nobel năm 1945) - người từng tiên đoán sự tồn tại của neutrino, để thông báo họ đã tìm thấy neutrino.
Trong các thí nghiệm của mình, hai nhà khoa học Takaaki Kajita và Arthur B. McDonald đã phát hiện một hiện tượng mới: dao động phảng phất của neutrino. Kết luận sâu hơn là neutrino phải có khối lượng dù cực nhỏ. Đó là khám phá mang tính chất đột phá đối với vật lý hạt và sự hiểu biết của loài người về vũ trụ.
Giới chuyên môn đánh giá “phát hiện hạt neutrino có khối lượng” là đột phá vĩ đại đối với ngành vật lý hạt. Trong khi đó, RSAC khẳng định, phát hiện đoạt giải Nobel vật lý 2015 đã chiếu rọi ánh sáng khoa học vào thế giới bí mật của hạt neutrino.
Như vậy, hai nhà khoa học Takaaki Kajita và Arthur B. McDonald đã sánh ngang cùng 199 nhà khoa học khác từng đoạt giải thưởng danh giá về lĩnh vực Vật lý học kể từ năm 1901 đến nay, trong đó có những tên tuổi như Albert Einstein, Niels Bohn và Marie Curie.
Đây là giải thưởng thứ hai được vinh danh trong chuỗi giải thưởng Nobel trong năm nay. Giá trị giải thưởng này là 8 triệu Kronor Thụy Điển (khoảng 962.000 USD).
Neutrino là hạt sơ cấp từng được cho là không có khối lượng. Sau hạt ánh sáng (photon), neutrino là hạt tồn tại nhiều nhất trong vũ trụ. Trái đất thường xuyên bị neutrino bắn phá. Neutrino di chuyển trong vũ trụ với tốc độ gần bằng ánh sáng và hiếm khi tương tác với vật chất.
Một số hạt neutrino được tạo ra từ Vụ nổ lớn (Big Bang), phần lớn từ các vụ nổ sao (supernova), phản ứng trong nhà máy hạt nhân hay quá trình phân rã phóng xạ tự nhiên...
M.H