Các bộ gõ tiếng Việt tốt nhất trên Android

0


Theo bình chọn từ cộng đồng công nghệ Việt, Laban Key đang là ứng dụng được đánh giá cao nhất với gần 50% phiếu bình chọn, tiếp sau đó là GoTiengViet và Swiftkey.

Bộ gõ tiếng Việt là một trong những ứng dụng quan trọng nhất mà người dùng Việt luôn ưu tiên cài đặt ngay khi sở hữu một thiết bị di động mới. Tuy nhiên, người dùng phổ thông thường “lạc” vào ma trận của hàng chục ứng dụng được cung cấp từ chính nhà sản xuất điện thoại, các bộ gõ thương mại lẫn miễn phí. Cộng đồng công nghệ Tinhte.vn đã làm khảo sát đánh giá về các bộ gõ phổ biến nhất hiện nay trên các tiêu chí tiện dụng, phù hợp với thói quen người dùng, khả năng hỗ trợ nhập tiếng Việt…nhằm tìm ra bộ gõ tốt nhất cho người dùng Việt
(Nguồn: Tinhte)
(Nguồn: Tinhte)

Kết quả, ứng dụng Laban Key là ứng dụng được ưa chuộng nhất với số bình chọn áp đảo gần 50 phần trăm. Tiếp sau đó là hai ứng dụng GoTiengViet và Swiftkey.
Laban Key
Ứng dụng được cộng đồng công nghệ Việt đánh giá cao với 644 lượt bình chọn (chiếm 47,7% tổng số phiếu) với các ưu điểm: gọn, nhẹ, kích thước phím hợp lý, khoảng cách giữa các phím vừa đủ, tốc độ phản hồi nhanh, hỗ trợ cảm ứng đa điểm, phù hợp với thói quen người dùng Việt, tạo cảm giác quen thuộc như khi thao tác trên máy tính, cho phép tuỳ chỉnh theo sở thích cá nhân và hoàn toàn miễn phí.
Laban Key được Phạm Kim Long – cha đẻ bộ gõ Unikey phát triển dựa trên bàn phím gốc từ Google nhằm tận dụng sự thân thuộc của người dùng đối với hệ điều hành Android. Đồng thời, bộ gõ cũng phát huy những yếu tố bản địa như hỗ trợ kiểu gõ VNI lẫn TELEX thông dụng, sử dụng từ điển Việt để gợi ý từ, cho phép vẽ dấu trực tiếp nếu người dùng không quen gõ VNI hay TELEX. Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép bỏ dấu tại cuối chuỗi ký tự, tạo sự thoải mái cho người dùng trong khi một số bàn phím tiếng Việt khác cho Android bắt buộc phải bỏ dấu ngay sau kí tự.
   

Laban hỗ trợ thay đổi giao diện của bàn phím theo nhiều chủ đề khác nhau như Android 4.0 Ice Cream Sandwich, theme trắng của KitKat, bàn phím xám hoặc tối màu theo kiểu truyền thống, bàn phím tương tự iOS 6, iOS 7... Người dùng cũng có thể chỉnh lại kích thước phím khi dùng máy ở chế độ màn hình dọc hoặc màn hình ngang riêng lẻ, khoảng trống giữa hai phím, thiết lập bảng gõ tắt cũng như kích cỡ kí tự in trên từng phím. Đây cũng là lí do vì sao Laban Key nhận được sự ủng hộ lớn như vậy từ cộng đồng công nghệ Việt Việt.
GoTiengViet
Cũng như Laban Key, GoTiengViet hỗ trợ các kiểu gõ TELEX, VIQR lẫn VNI, có một số tùy chỉnh về theme (nhưng ít hơn Laban) cũng như cho phép cài đặt kích cỡ phím. GoTiengViet do tác giả Trần Kỳ Nam viết ra, người cũng là lập trình viên của bộ gõ tiếng Việt cùng tên xuất hiện trên cả Windows lẫn OS X.
    

Tốc độ hoạt động của GoTiengViet khá tốt, thời gian phản hồi nhanh và chạy ổn định. Tuy nhiên, ứng dụng chỉ xếp thứ 2 với 24% số phiếu do chưa hỗ trợ tốt thao tác khi xoay ngang màn hình và trên các máy tính bảng..
SwiftKey
Đây là một bộ gõ quốc tế được một công ty cùng tên xây dựng. Thực chất Swiftkey đã có mặt từ lâu trên Android nhưng mãi đến năm 2012 thì kiểu gõ TELEX cùng ngôn ngữ Việt mới được tích hợp dưới dạng beta vào bàn phím này (chưa có kiểu gõ VNI).
Swiftkey nổi bật với 2 khả năng chính: trượt ngón tay để nhập liệu và dự đoán trước nội dung chuẩn bị nhập. Tuy nhiên, khả năng tiên đoán từ khi dùng chức năng vuốt bàn phím chưa thực sự tối ưu khi sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt với tỉ lệ tiên đoán sai khá cao. Khiến ứng dụng chỉ chiếm 23% lượt vote.
    

Ngoài ra, đây là một ứng dụng thu phí. Người dùng sẽ phải chi 98.000 đồng để sở hữu bộ gõ này