0
Tinhte_Project_Fi_Google_MVNO_mang_ao_HEADER.
Google vừa ra mắt dịch vụ mạng di động của mình với tên gọi Project Fi. Để vận hành được mạng này, hãng đã sử dụng một hình thức gọi là Mobile Virtual Network Operator (MVNO, tạm dịch: nhà mạng di động ảo) vốn đã có từ lâu chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Nói ngắn gọn thì với MVNO, hai nhà mạng thật là T-Mobile và Sprint đã cho Google thuê phần dung lượng mạng ít sử dụng của mình để áp dụng choProject Fi chứ bản thân Google không phải đầu tư gì về cơ sở hạ tầng cả. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ thêm cho các bạn những thông tin hữu ích về MVNO, mời các bạn cùng xem.

1. MVNO là gì?

MVNO diễn ra khi một nhà mạng di động lớn bán phần dung lượng chưa hoặc ít sử dụng của mình với giá bán sỉ cho một công ty nhỏ hơn. Công ty nhỏ này, bằng cách nào đó (qua dịch vụ, thiết bị hay các giá trị gia tăng khác), có khả năng tận dụng phần dung lượng nói trên để kiếm tiền từ những thị trường mà nhà mạng lớn không thể chạm tới, hoặc những thị trường có lợi nhuận quá ít nên nhà mạng lớn quyết định không tự mình tiến vào. Vì không sử dụng hạ tầng của riêng mình nên công ty nhỏ trong trường hợp này được xem như một "nhà mạng ảo", còn nhà mạng lớn thì được xem là "nhà mạng thật".

Khi nhà mạng ảo bán dịch vụ mạng của mình cho người dùng cuối, họ sẽ bán với giá lẻ. Phần chênh lệch giữa giá bán sỉ và lẻ nói trên chính là lợi nhuận mà MVNO có được.

MVNO_2.

Lợi ích cho nhà mạng lớn đó là họ vẫn có thể kiếm tiền từ phần dung lượng chưa sử dụng của mình thay vì để không. Trong khi đó, công ty nhỏ kia thì có thể ngay lập tức bước vào lĩnh vực mạng di động mà không phải chi hàng triệu, thậm chí là hàng tỉ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng - vốn là vấn đề khó và tốn nhiều chi phí nhất cho một nhà mạng. Theo lời Doug Chartier, phó chủ tịch nhà mạng T-Mobile (Mỹ), thì "đây là một bước đi cân bằng."

Ngoài việc cung cấp khả năng gọi và nhắn tin SMS truyền thống, nhiều MVNO còn cung cấp cả dịch vụ mạng băng thông rộng (3G, 4G, trong trường hợp của Google Project Filà 4G LTE). Một số MVNO thậm chí sở hữu hoặc đóng góp phần hạ tầng của riêng mình cho nhà mạng chính. Ở Uganda (Châu Phi) hiện có 3 nhà mạng hoạt động với hạ tầng của chính mình tại các thành phố lớn, nhưng khi ra khỏi những thành phố này thì họ lại chuyển sang mô hình MVNO.

2. MVNO ra đời như thế nào?

MVNO xuất hiện vì các lý do mang tính cục bộ. Ở một vài nơi, khái niệm MVNO ra đời vì sự can thiệp của các cơ quan hành pháp, ví dụ như tại khu vực Scandinavia. Những cơ quan này muốn buộc các nhà mạng di động phải đóng góp một phần mạng của mình cho các công ty nhỏ hơn nhằm tạo sự cạnh tranh (thông qua việc tiết kiệm chi phí, thời gian đầu tư) và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Hiện các mạng MVNO ở Scandinavia chiếm thị phần khoảng 10%.

Ở một số nơi khác, các nhà mạng chỉ đơn giản là muốn tận dụng phần dung lượng thừa của mình để có thêm doanh thu trong khi không phải lo về việc chăm sóc khách hàng hay marketing bởi chuyện đó giờ đã thuộc trách nhiệm của MVNO. Một số nhà mạng thật thậm chí còn lập ra đơn vị MVNO của chính mình nhưng với thương hiệu khác.

MVNO đầu tiên được thành lập bởi công ty Tele2 tại Đan Mạch rồi sau đó bắt đầu triển khai ra nhiều quốc gia Châu Âu khác. Cũng không thể không nhắc đến Virgin Mobile UK, MVNO đầu tiên kinh doanh thành công và nó đã được ra mắt vào năm 1999 tại Anh Quốc. Thành công của nhà mạng ảo này sau đó đã được nhân rộng để áp dụng tại Mỹ với sự ra đời của Virgin Mobile USA. Sau này Virgin Mobile USA đã được mua lại bởi Sprint, cũng chính là nhà mạng thật đã cung cấp dung lượng cho hãng hoạt động, với giá khoảng 483 triệu USD.

3. Tình hình MVNO hiện nay

Tính đến tháng 6 năm 2014, có 943 MVNO đang còn hoạt động và thêm 255 mạng ảo nữa là các công ty con của nhà mạng thật. Như vậy chúng ta có gần 1200 nhà mạng ảo, tăng 15,8% so với mức 1036 của năm 2012. Theo Wikipedia, MVNO lớn nhất hiện nay là Lycamobile ra mắt năm 2006 với hơn 12 triệu thuê bao trả trước tại 17 nước, chủ yếu tập trung tại khu vực Châu Âu.

MVNO nhắm đến cả thị trường tiêu dùng lẫn thị trường doanh nghiệp. Một phần lớn các MVNO tập trung bán dịch vụ của họ cho khách hàng với giá rất hấp dẫn, trong khi những người dùng xài dịch vụ của nhà mạng thật thì phải trả nhiều hơn tối đa 3,4 lần so với những người dùng MVNO.

Qua quá trình phát triển, có một khái niệm gọi là "Light MVNO". Những công ty nào có kinh doanh loại hình này thì chỉ chịu trách nhiệm về marketing, đôi khi có thêm nhiệm vụ thu phí, còn mọi thứ khác kể cả thẻ SIM đều do nhà mạng thật phát hành. Họ sẽ phát hành các coupon giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách hàng đến sử dụng dịch vụ của nhà mạng thật. Light MVNO thường được vận hành bởi các cửa hàng máy tính hay cửa hàng điện thoại vì họ có thể tiếp cận trực tiếp với người dùng cuối.

Một vài MVNO từng gây chú ý ở Mỹ nhưng giờ đã không còn hoạt động:

Amp'd Mobile
Ngày hoạt động:
 Tháng 12/2005
Ngày chấm dứt: Tháng 7/2007
Mạng: Verizon
Tiền đầu tư: khoảng 350 đến 400 triệu USD

Disney Mobile
Ngày hoạt động:
 Tháng 6/2006
Ngày chấm dứt: Tháng 12/2007
Mạng: Sprint
Tiền đầu tư: 150 triệu USD (Mobile ESPN và Disney Mobile)
Thêm thông tin: Disney muốn sử dụng mạng này cho những gia đình cần theo dõi con cái của họ từ xa. Không may, chỉ một thời gian ngắn sau khi Disney Mobile ra đời, các nhà mạng lớn cũng bắt đầu cung cấp các dịch vụ giám sát con cái của riêng họ.

Helio
Ngày hoạt động
Tháng 5/2006
Ngày chấm dứt: Tháng 6/2008
Mạng: Sprint
Tiền đầu tư: Hơn 560 triệu USD
Thêm thông tin: MNVO này bán cho người dùng Mỹ những chiếc điện thoại Hàn Quốc, một mô hình kinh doanh rất độc đáo. Tuy nhiên, do không theo kịp xu hướng smartphone và những yếu tố về marketing đã khiến Helio phải ngừng hoạt động.

Mobile ESPN
Ngày hoạt động:
 Tháng 11/2005
Ngày chấm dứt: Tháng 12/2006
Mạng: Sprint
Tiền đầu tư: 150 triệu USD (Mobile ESPN và Disney Mobile)

XE Mobile
Ngày hoạt động:
 Tháng 4/2006
Ngày chấm dứt: Tháng 12/2007
Mạng: AT&T (Cingular)
Tiền đầu tư: không rõ
Thêm thông tin: Không nhiều người biết rõ về XE Mobile, chỉ biết là hãng này nhắm đến đối tượng sinh viên đại học. Nhưng nhà mạng nào mà chẳng làm thế?

4. MVNO và Project Fi

Khi Google triển khai Project Fi, hầu hết mọi nguyên lý hoạt động của MVNO đều áp dụng một cách đầy đủ, trừ việc hiện chỉ mới có người dùng Nexus 6 ở Mỹ là được xài Fi và bạn phải có thư mời mới được. Bạn cũng sẽ cần đến một thẻ SIM đặc biệt để có thể truy cập vào mạng này.

Project Fi sẽ tính phí dựa theo dung lượng dữ liệu mà người dùng đã xài thay vì buộc khách hàng trả phí cố định hằng tháng với một mức data giới hạn nào đó. Nếu bạn không xài hết lượng dữ liệu được cấp, Google sẽ hoàn lại cho bạn phần chênh lệch.

Project_Fi_network.

Cụ thể, với 20$/tháng, bạn có đầy đủ các tính năng cơ bản như gọi, nhắn tin, chia sẻ mạng di động thành Wi-Fi, hỗ trợ roaming ở 120 nước. Dung lượng dữ liệu sẽ tính thêm 10$ cho mỗi GB mà bạn đăng kí. Như vậy chỉ riêng phần dữ liệu nếu bạn đăng kí dùng 1GB thì bạn trả 10$, 2GB thì trả 20$, 3GB thì chi 30$ (và nhớ là phải cộng với 20$ ban đầu nữa). Nhưng nếu bạn đăng kí gói 3GB với giá 30$ mà chỉ dùng 1,4GB thôi thì cuối tháng hãng sẽ trả lại bạn 16$, đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa Fi với các mạng di động truyền thống. Còn trong trường hợp bạn dùng vượt mức đã đăng kí, Google vẫn tính giá như bình thường, tức 10$ cho mỗi GB phát sinh thêm.

Fi cũng sẽ tự đổi sang Wi-Fi khi có thể để duy trì khả năng truy cập cao. "Chúng tôi đã phát triển một công nghệ mới mang lại tầm phủ sóng tốt hơn bằng cách kết nối thiết bị vào mạng nào có tốc độ nhanh nhất tại vị trí bạn đang đứng, cho dù đó là Wi-Fi hay một trong hai mạng LTE đối tác". Người dùng cũng có thể thực hiện cuộc gọi và nhắn tin SMS thông qua Wi-Fi, và tất cả mọi thứ đều được bảo mật tốt. Lúc chuyển từ Wi-Fi sang lại LTE thì cuộc gọi sẽ không bị ngắt, bạn vẫn có thể nói chuyện tiếp tục. Và bởi vì số điện thoại của bạn "nằm trên mây" nên theo lời Google, bạn vẫn có thể gọi hay nhắn tin bằng laptop, tablet chứ không nhất thiết phải dùng đến điện thoại.
project-fi-6.
5. Vai trò của Fi với tương lai của mạng di động

Lợi ích của Sprint và T-Mobile khi tham gia vào Fi đó là họ sẽ có thêm thuê bao sử dụng hạ tầng của mình (nhưng chưa rõ sẽ chia sẻ với Google ra sao), và tất nhiên là cũng có thêm tiền từ những người dùng Fi. Trong khi đó, Google thì tạo được một dòng thu nhập mới và cũng tạo ra động lực để người dùng Mỹ đi mua Nexus 6.

Quan trọng hơn, Project Fi sẽ đóng vai trò như một áp lực giúp thúc đẩy cả nền công nghiệp di động tiến đến một tương lai nơi việc sử dụng 3G, 4G trở nên rẻ hơn, dễ dàng hơn. Trước đây hiệu ứng tương tự đã từng diễn ra ở những nơi mà dịch vụ mạng cáp quang Google Fiber xuất hiện, nó khiến các nhà cung cấp khác phải hạ giá bán, nâng tốc độ và cải thiện chất lượng để cạnh tranh với Fiber nếu không muốn bị mất khách.

Phó chủ tịch Sundar Pichai của Google cũng từng chia sẻ rằng hãng không có ý định trở thành một nhà mạng có quy mô lớn, cộng với việc Fi hiện chỉ cho người dùng Nexus 6 truy cập thì có thể thấy Google không cần kiếm nhiều tiền từ Fi, hãng chỉ muốn dùng nó như một động lực để các nhà mạng khác cung cấp mạng di động với giá rẻ hơn cho người dùng mà thôi. Cuối cùng thì người dùng sẽ được hưởng lợi.

Và nếu ngày càng có nhiều người được dùng mạng di động với giá rẻ hơn, hẳn Google sẽ rất vui mừng bởi điều đó sẽ giúp lượng người dùng các dịch vụ của hãng tăng lên, thời gian họ dành cho các app hay web này cũng nhiều hơn, từ đó Google có thể thu được nhiều tiền quảng cáo hơn. Tất nhiên, đây là một mục tiêu dài hạn và phải sau nhiều năm nữa thì nó mới bắt đầu đơm hoa kết trái.

Tham khảo: The VergeWikipediaForbes