NASA sẽ khởi động sứ mạng lai dắt thiên thạch Asteroid Redirect Mission vào năm 2019 hoặc sớm hơn

0
  1. san_bat_thien_thach. ​

    Mới đây, cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) vừa tiết lộ thêm thông tin sứ mạng săn tìm và khai thác thiên thạch (ARM). Một trong số các chương trình là sử dụng phi thuyền không gian tự động nhằm lai dắt các tiểu hành tinh về gần Trái Đất. Theo đó, tiểu hành tinh mục tiêu sẽ được NASA lựa chọn 1 năm trước khi tiến hành "săn bắt" và có 2 phương án được đưa ra là: mang toàn bộ một thiên thể có kích thước rất nhỏ về hoặc lấy mẫu đất đá từ thiên thể có kích thước lớn. Phía NASA cho biết thêm rằng dự án sẽ chính thức được khởi động trước năm 2019 hoặc thậm chí là sớm hơn.

    Một khi thiên thể đã được "bắt giữ", nó sẽ được đưa về quỹ đạo của Mặt Trăng. Khi đó, NASA hy vọng điều này cho phép các phi hành gia có thể tiếp cận với thiên thể và thực hiện công tác nghiên cứu một cách dễ dàng hơn. Nếu không có nhiều vấn đề trở ngại, NASA tuyên bố rằng con người sẽ chính thức tiếp cận các thiên thể được mang về từ vũ trụ vào những năm 2020 sắp tới. Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn sử dụng kính viễn vọng không gian Spitzer nhằm tìm kiếm và lựa chọn các thiên thể ứng cử viên. Theo thông tin từ NASA thì trong giai đoạn đầu tiên, dự án chủ yếu tìm kiếm và săn bắt các thiên thể phục vụ cho công tác nghiên cứu tìm hiểu sự hình thành của hệ Mặt Trời.

    Williams Gerstenmaier, quản lý chương trình Human Exploration and Operations cho biết: "Với ý tưởng về mô hình nghiên cứu nói trên, chúng ta đang thực hiện những bước đầu tiên tạo tiền để con người có thể tiến sâu hơn vào không gian. Chúng ta đã thực hiện được những bước tiến chưa từng có với mục tiêu gần nhất chính là sao Hỏa. Đồng thời, sứ mạng AMR cũng nghiên cứu các dự án nhằm bảo vệ Trái Đất khỏi các mối đe dọa bởi các thiên thạch từ không gian."

    Cho tới hiện nay, các nhà nghiên cứu tại NASA đã tìm được 9 thiên thạch sáng giá nhất với kích thước và quỹ đạo hoàn toàn phù hợp với tiêu chí của dự án. Dù vậy, công tác tìm kiếm vấn được NASA tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm nối dài thêm danh sách các thiên thể mục tiêu. Đặc biệt nhất trong số đó là thiên thể 2011 MD có khối lượng riêng thấp (gần bằng với nước) và kích thước vào khoảng 6,1 mét. Theo dự kiến, đây sẽ là mục tiêu đầu tiên của chương trình ARM trong tương lai.

    John Grunsfeld, giám đốc chương trình khoa học NASA cho biết: "Việc nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về các thiên thể là một thách thức đối với chúng tôi trong tương lai. Tuy nhiên, nó sẽ giúp bảo vệ được hành tinh của chúng ta thoát khỏi những nguy hiểm từ không gian. Đồng thời, việc bắt giữ và khảo sát các thiên thể còn cho phép chúng ta nghiên cứu và hiểu biết sâu hơn về sự hình thành của hệ Mặt Trời trong mối liên hệ với chính Trái Đất của chúng ta."